Lời Phật dạy về cách chọn bạn: Kết được bạn tốt đời nở hoa, gặp bạn xấu đời là bể khổ

Thứ 7, 9/11/2024 - 0:57

Mục lục
 
Mục lục

(Xemsomenh.com) Những lời Phật dạy về cách chọn bạn sau đây là ánh sáng dẫn lối để chúng ta biết chọn bạn để chơi, chọn người để hợp tác trong công việc cũng như cuộc sống, việc này lợi lạc hơn bất cứ thứ gì trên cuộc đời này.

Đời người ai có được người bạn tốt cùng song hành cùng thì quả là người có phúc báo lớn. Ai cũng mong có người như thế để cùng trải qua thăng trầm cuộc sống, chia ngọt xẻ bùi, là nơi ta gửi gắm những tâm sự thầm kín...Thế nhưng thực tế không phải ai cũng có được may mắn tìm được một người phù hợp và tuyệt vời đến vậy.

 

Việc chọn ai để thân thiết cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và theo lời Phật dạy về tình bạn, khi chọn bạn không phân biệt sang hèn, mà chỉ phân biệt người thiện với kẻ ác, từ đó có những người ta nên thân thiết, nhưng lại cũng có những kẻ cần kịp thời tránh xa:

Bốn người bạn nên thân thiết

1. Thứ nhất: Hạng ngăn quấy

Những người này thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chính trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên.

Phàm là người không phải ai cũng đủ trí tuệ để làm gì cũng đúng, việc người thì tỏ tường việc của mình thì ú ớ không biết gì, nên có lúc bản thân mình đang mê lầm, vô tình làm điều sai quấy mà không hề hay biết. Những lúc đó, nếu có người giúp ta thoát khỏi hoàn cảnh này thì quả là người bạn tốt.  Những khi ta mất phương hướng, lần mò trong bóng tối, người bạn thấu hiểu sẽ soi đường chỉ lối cho chúng ta. Theo lời Phật dạy về cách chọn bạn đã chỉ cho ta thấy, người ấy rất xứng đáng làm bạn thân của ta. Người bạn ấy hiểu rằng ác giả ác báo nên nhất định ngăn trở ta làm điều ác, chỉ cho ta thấy sai lầm của mình vì họ không đang tâm nhìn thấy ta chỉ vì sự vô minh của bản thân mà lầm đường lạc lối, gieo rắc ác nghiệp, lãnh hậu quả đáng tiếc về sau.  

2. Thứ hai: Hạng thương yêu

Những người này thì thường làm bốn việc: mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản.  Đó là những người bạn có tâm vô tư, thương yêu ta như chính bản thân họ. Họ cũng xem niềm vui của ta như niềm vui của họ, hạnh phúc của ta như hạnh phúc của họ mà không hề ghen tị thì quả là người bạn tuyệt vời. Trong cuộc sống nhiều chông gai, gập ghềnh này, nhờ những người bạn ấy ở bên mà ta luôn được khuyến khích tinh thần lúc vui, cảm thấy an ủi khi gặp khó khăn, nhờ thế mà ta chẳng thể buồn lâu, niềm vui thì kéo dài mãi. Ở bên người có nguồn năng lượng tích cực như thế thì quả là không có gì may mắn bằng. Vì thế, nếu lỡ một ngày nào đó, bị một người bạn phản bội thì chớ oán thán trời đất, đơn giản là bạn đã chọn sai người để làm bạn, người để kết thân mà thôi. Vì ta xem nhẹ việc một người từng ghen tị với những gì ta có, họ sẵn lòng nói xấu sau lưng nhưng ta vẫn ngó lơ, bỏ qua xem như không có gì và thậm chí còn thân thiết với họ thì thực sự là quyết định sai lầm. Hãy nhớ rằng một người không thương yêu ta thì cũng không xứng đáng làm bạn của ta, nếu nói chuyện xã giao thì được nhưng không nên thân thiết làm gì.

 

Lời Phật dạy về cách chọn bạn
 

3. Thứ ba: Hạng giúp đỡ

Những người này thường làm bốn việc: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người. Bản năng con người thích cái gì dễ dàng, cảm giác dễ chịu, vì thế, ta sẽ có những lúc bị xao động, dễ bị dục vọng lôi kéo và bước đi trên con đường tội lỗi lúc nào không hay. Nhưng một người bạn tốt sẽ che chở, kéo ta ra khỏi vũng lầy. Họ biết rằng ta có chút sĩ diện nên sẽ gặp ta mà nói chuyện riêng, thì thầm to nhỏ, có như thế ta mới lắng nghe. Họ suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, thực sự là chỗ dựa tuyệt vời cho bất cứ ai.

 

4. Thứ tư: Hạng đồng sự

Những người này thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người. Người xưa đúc kết lại câu nói: “Lúc gian nan mới hiểu được lòng người!”. Quả thực không sai, chỉ đến khi bạn gặp khó khăn, bế tắc thì bạn mới có thể hiểu được ý nghĩa của tình bạn, tình yêu, tình thân như thế nào. Chính lúc ấy bạn tốt là người rất cần thiết và cấp bách, họ giống như chiếc phao nâng đỡ giúp ta vượt qua giữa biển đời đầy sóng gió. Những người có thể ở bên cạnh, đồng hành với bạn không phải vì tiền tài, địa vị thì đó mới là tình bạn thật sự. Họ có thể vì yêu quý bạn mà không tiếc mạng sống, của cải của mình, sẵn sàng chăm sóc, khuyên răn bạn, cùng bạn đồng cam cộng khổ, đó mới là tình bạn đáng được bạn trân trọng nhất trên đời. 

 

Phật dạy bạn tốt sẽ đồng hành cùng ta
 

Bốn kiểu bạn nên tránh xa

 

Bốn hạng người này càng thân càng bất lợi, do đó, nhất định phải tránh xa nếu không muốn rước họa vào thân:

 

1. Thứ nhất: Hạng úy phục

Nhận diện những kẻ này bằng việc quan sát để nhận ra họ hay làm bốn việc: cho trước đoạt lại sau; cho ít mong trả nhiều; vì sợ gượng làm thân; vì lợi gượng làm thân. Không phải ai cũng có tâm vô tư cho đi mà không toan tính, thế nên bạn tốt vì thế thường ít chứ không nhiều. Người đời cho ta cũng là vì đều có mục đích: cho đi để nhận lại nhiều hơn. Có thể vì ta không đủ tỉnh táo nên ai cho gì mình vui vẻ nhận, nhưng đến khi nghe người ta kể lể công ơn họ đã cho hay giúp ta những gì thì ta mới cảm thấy đáng ngại tới mức nào. Lòng họ quá hẹp hòi, toan tính thiệt hơn như thế thì chơi với ai phải có lợi họ mới chơi. Đó cũng là lúc bạn cần biết rằng đây là kiểu bạn bè nên tránh xa, họ giả vờ kết giao với ta cũng chỉ là để thể hiện bản thân rằng mình là người tốt, quảng giao, hay giúp đỡ người khác, thế nhưng tất cả cũng chỉ để phục vụ lợi ích của mình mà thôi.

 

Phật chỉ ra người bạn xấu nên tránh xa
 

2. Thứ hai: Hạng mỹ ngôn

Những người này thì thường hay làm bốn việc: lành dữ đều chiều theo; gặp hoạn nạn thì xa lánh; ngăn cản những điều hay; thấy gặp nguy tìm cách đùn đẩy.

Chúng ta hay bị những lời ngọt ngào mê hoặc nhưng thực ra, kẻ dùng lời "mỹ ngôn" thường là người tâm không chân thật, họ dùng lời nịnh hót, dễ nghe để lấy lòng ta, chờ cơ hội để lợi dụng. Hạng người này nếu thấy ai giàu có, thành công họ sẽ tìm cách làm thân, luôn nương theo chiều gió để cố gắng không làm phật ý bất kỳ ai. Nhưng đến khi ta gặp nạn thì sẵn sàng quay lưng đi, không mảy may muốn giúp đỡ gì.

 

Họ thường đùn đẩy trách nhiệm, không bao giờ nhận sai về mình mỗi khi gặp nguy để chứng minh mình trong sạch, những con người này không chân thật, không quan tâm đến đúng sai, mục tiêu của họ chỉ là lấy lòng người khác. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là để tư lợi cho bản thân, họ cũng sẽ chỉ lo sợ mình thiệt, từ đó nịnh bợ, luồn cúi, tìm mọi cách để chiếm ưu thế. Đức Thế Tôn đã dạy: “Này Tỳ kheo các ông, tâm dua nịnh cùng với đạo trái nhau. Thế nên, phải có tâm chân chất ngay thẳng, phải biết tâm dua nịnh chỉ là dối trá người vào đạo không nên có. Thế nên, các ông tâm phải đoan chính, lấy chân chất ngay thẳng làm gốc.” Phật dạy về kẻ nịnh bợ trục lợi thường có tà tâm nên gây ra việc ác phục vụ lợi ích cho mình, gần những người này vô cùng có hại vì nguy cơ bị "đâm sau lưng" lúc nào không hay, do đó, chỉ nên xã giao không nên kết giao. Kinh Hiền Nhân cũng đã dạy: “Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn". Vì thế, ai mà gặp nguy đã đùn đẩy, bỏ rơi ta lúc hoạn nạn thì từ đầu không nên kết bạn làm gì.

 

3. Thứ ba: Hạng kính thuận

Những người này thường làm bốn việc: việc trước dối trá; việc sau dối trá; việc hiện dối trá; thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt. Trên cuộc đời này, lòng dạ con người là khó lường nhất, người càng chủ đích nói dối vì thế lại càng đáng sợ. Hãy nghĩ tới cảm giác bạn mất phương hướng trong những lời không thật của kẻ đó mà xem, ta chẳng biết mình có đang là trò cười cho họ không nữa. Người dối trá có nó ngàn lời thì ta cũng chẳng nên tin làm gì vì khi thật giả lẫn lộn, trắng đen pha trộn thì ta thường chẳng biết phân định rạch ròi chuyện gì, những người này quả thực khó lường, nếu thân thiết thì cũng chỉ bị thiệt thân mà thôi. Hãy nhớ rằng “gần mực thì đen” và người dối trá sẽ tìm cách biến bạn thành quân cờ trong tay họ để phục vụ cho lợi ích của mình mà thôi. Sẽ có ngày tay bạn "nhúng chàm" khi làm theo lời họ, lúc đó hối hận cũng đã muộn màng. Đặc biệt trong làm ăn, gặp kiểu người này ta có thể mắc lỗi lần đầu nhưng lần thứ hai mà còn phạm phải nữa nghĩa là ta thật ngốc ngếch, mu muội.

 

4. Thứ tư: Hạng bạn ác

Những người này thì thường làm bốn việc: bạn lúc uống rượu; bạn lúc đánh bạc; bạn lúc dâm dật; bạn lúc ca vũ. Có những người bạn sẽ giúp chúng ta vượt qua những nghịch cảnh và thành công trong cuộc đời, ngược lại có những kẻ chỉ dẫn ta vào mê cung, thêm lầm đường lạc lối, mãi trong bể khổ mà thôi. Hơn ai hết, Đức Phật đã nhìn thấy những ai phạm tội lớn cũng bắt nguồn từ việc rượu chè, cờ bạc, trai gái,... Do đó, Người đã cảnh tỉnh chúng sinh xa rời những điều trên nếu còn muốn làm người tốt, sống an yên trên cuộc đời. Những người phạm phải những điều trên đã là đáng xấu hổ, họ còn lôi kéo thêm người khác nữa thì càng đáng tội hơn nữa. Thế nên theo lời Phật dạy về cách chọn bạn đã chỉ rõ cho ta thấy người bạn nào lôi kéo ta vào những chốn trên thì quả là ác độc vì nguy cơ ai cũng có thể thấy rõ trước mắt. Do đó, bạn đừng vì một chút cả nể mà đi theo họ. Những thói quen kể trên toàn là thói quen xấu, dễ dẫn ta tới ác nghiệp, nếu ta đi theo những người bạn này thì cuộc sống càng xa rời giá trị thật, dễ rơi vào bể khổ, chết đi thường bị đọa xuống địa ngục.