Đến nay tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được gọi chung là Đạo Mẫu Việt Nam, bản chất là thờ Tam phủ, Tứ Phủ (Tam phủ công đồng - Tứ Phủ Vạn Linh) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn là thần chủ. Về phương diện đồng đại, đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương Nam trong quá trình nam tiến.
Đạo Mẫu Là Gì? Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Của Người Việt
Tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ Đạo giáo, Phật giáo và những tôn giáo tín ngưỡng khác. Tính hỗn dung của tín ngưỡng thờ mẫu thần, nữ thần khá cao. Tuy vậy, tựu trung lại, tín ngưỡng tôn thờ tính nữ và lấy hình tượng Mẫu (Mẹ) làm trung tâm. các nữ thần, mẫu thần có quyền năng sản sinh, che chở cho các con, phù trợ đất nước.
Đạo Mẫu ở miền Bắc thể hiện rõ nét qua tín ngưỡng Tam-Tứ Phủ. Nhánh Tam-Tứ Phủ cũng chính là nhánh Đạo Mẫu phổ biến nhất tại Việt Nam. Ở các vùng khác trên khắp đất nước, việc thờ nữ thần, mẫu thần cũng rất đa dạng. Có nơi tương đối khác biệt nhưng cũng có nơi thể hiện rõ sự giao thoa với Tam-Tứ phủ (ví dụ: điện Hòn Chén ở cố đô Huế vừa thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na của văn hóa Chăm, vừa thờ Mẫu Liễu Hạnh của Tam-Tứ Phủ).
Ở miền Trung và miền Nam, việc thờ phượng các vị nữ thần, mẫu thần có phần phổ biến hơn miền Bắc. Số lượng tín đồ của mỗi vị thần có thể rất đông đảo, nhưng lại không có tính tập trung như Tứ Phủ. Một số nữ thần, mẫu thần hay được thờ ở miền Trung và miền Nam bao gồm Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Vị Thánh Nương, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Hỏa, Bà Thủy, v.v...
Những nghi thức và cách thờ phượng mẫu thần, nữ thần ở mỗi vùng miền đều có nét tương đồng với những nơi khác. Tuy nhiên vẫn chưa có công trình khoa học nào thống kê hoặc khảo sát một cách chính xác. Vì vậy nên cũng khó xác định liệu những nét giống nhau là vô tình hay do chịu ảnh hưởng của nhau; và nếu chịu ảnh hưởng thì bắt nguồn từ đâu, vào thời điểm nào.
Bất kể theo nhánh hay địa phương nào, Đạo Mẫu là nơi mà hình tượng người mẹ và tính nữ trong văn hóa Việt Nam được tôn vinh. Những vị mẫu thần, nữ thần này; có vị khai sinh ra xứ sở, ngành nghề, có vị dạy cho dân trồng trọt, thuốc thang, có vị hướng dẫn về việc tâm linh tu đạo, và dĩ nhiên không thể thiếu những vị thần bảo vệ biên cương, bờ cõi đất nước.