TAM ĐÌNH trên gương mặt là gì? Luận đoán vận số cuộc đời tốt xấu ra sao qua Tam Đình
(Xemsomenh.com) Trong nhân tướng học, Tam Đình là một trong những yếu tố quan trọng dùng trong quá trình xem tướng con người. Tam Đình sẽ chia gương mặt thành ba phần thượng – trung – hạ để xem xét, mỗi bộ phận sẽ dự báo ít nhiều về vận mệnh cuộc đời hung cát của mỗi người. Cùng tìm hiểu chi tiết Tam Đình là gì để biết cách đoán vận mệnh của bản thân.
1. Tam Đình là gì?
Tam Đình vốn là một khái niệm được dùng trong nhân tướng, cụ thể là khi xem tướng khuôn mặt.
Theo Hán tự, “Tam” nghĩa là 3, “Đình” là chỉ các vùng, khu vực trên khuôn mặt. Tam Đình sẽ chia gương mặt thành 3 phần gồm: Thượng Đình, Trung Đình và Hạ Đình. Mỗi bộ phận tượng trưng cho từng giai đoạn của cuộc đời, thông qua đó chúng ta có thể đánh giá các điềm may rủi, được mất của từng giai đoạn.
Nguyên tắc coi tướng khuôn mặt trước tiên là phải quan sát một cách tổng quát để có ý niệm sơ khởi về sự cân xứng chung về hình thể rồi sau đó mới đi sau vào chi tiết của từng nét tướng khác nhỏ hơn. Xem thêm: 8 nét tướng mặt người có đường sự nghiệp tốt, công danh cực đẹp
2. Ý nghĩa của Tam Đình trong nhân tướng
Tam Đình có những mặt ý nghĩa khác nhau trong nhân tướng học.
2.1 Về mặt vận mệnh
Theo quan niệm của người xưa, về mặt vận mệnh cuộc đời, Tam Đình tương trưng cho “Tam Tài” – tức 3 thể trọng yếu nhất trong vạn vật là Thiên – Địa – Nhân (trời – đất – con người).
Trong đó:
- Trán thuộc Thiên Đình, tượng trưng cho trời. Trời phải cao, rộng, vì vậy, người xưa lấy trời để ví với trán của con người, ngụ ý trán phải cao và rộng mới là tướng quý nhân, vận mệnh tốt.
- Mũi là phần quan trọng nhất của Trung Đình, tượng trưng cho người. Mũi cần phải ngay thẳng hoặc tròn trịa, đều đặn, cân xứng mới tốt. Người hội đủ điều kiện trên có triển vọng, sống thọ, trung vận gặp nhiều may mắn, thông minh hơn người thường.
- Cuối cùng là phần Hạ Đình tượng trưng cho đất và bộ vị quan trọng nhất là cằm. Vì đất cần phải đầy đặn, vuông vắn mới tốt nên quan niệm truyền thống cho rằng, cằm vuông, đầy thì chủ về hậu vận sung túc.
Nếu Tam Đình cân xứng thì đó là tướng mạo của người thượng đẳng. Cho nên khuôn mặt tương xứng, hài hòa, không bị khuyết hãm cả đời không phải lo đến cơm áo.
2.2 Về mặt năng lực
Tạm Đình ngoài ý nghĩa về mặt vận mệnh còn có ý nghĩa về mặt khả năng, cụ thể:
- Thượng Đình: Tượng trưng cho trí tuệ.
- Trung Đình: Tượng trưng cho khả năng hoạt động.
- Hạ Đình: Tượng trưng cho khả năng ứng biến.
Nếu cả 3 phần đều phát triển cân xứng theo thuật ngữ “Tam Đình bình ổn” thì con người có được sự quân bình về cả 3 mặt trí lực, động lực và hoạt lực: Con người có được triển vọng thành công trong cuộc sống. Do đó, tướng học xưa đã rất có lý khi nhận định rằng, người có Tam Đình bình ổn không phải khốn đốn vì cơm ăn áo mặc.
Theo nhà tướng học Tô Lãng Thiên, Thượng Đình biểu thị vận tiên thiên. Trung Đình giúp ta quan sát các trạng thái hoạt động của hậu thiên. Còn Hạ Đình giúp ta trắc định kết quả các hoạt động của con người (thành hay bại, xấu hay tốt…).
Tóm lại:
Thượng Đình cho biết những dữ kiện thiên phú của con người như: Tri thức, nghệ thuật, cảm xúc, tinh thần… Nếu trán cao, rộng thì người đó được hưởng sự may mắn, tức là không phải nhọc công, tự có sẵn trong mình tố chất thông minh. Nếu trán lõm hoặc lệch, hãm là dấu hiệu cho biết thời gian ấu thơ bị khốn đốn, trí lực kém.
Trung Đình biểu thị cho sự phấn đấu của con người từ thuở còn trẻ, trí tuệ tương đối phát triển. Phần đáng lưu ý nhất là mũi và Lưỡng quyền. Theo tác giả Tô Lãng Thiên, khu vực mũi và Lưỡng quyền, ngoài ý nghĩa tiền của, vật chất còn cho ta biết tài năng tháo vát của con người trong cuộc sống. Nếu Trung Đình đầy đặn, cân xứng, mũi thẳng, chóp mũi tròn, 2 cánh mũi có thế thì Thiên đình bị lồi, lõm, khi còn bé phải chịu cuộc sống cực khổ nhưng nhờ sự cố gắng và nỗ lực phấn đấu mà trung vận có kết cục đốt đẹp.
Khu vực Trung Đình mà đẹp có thể bổ sung cho khiếm khuyết trí tuệ tiên thiên. Nhờ sự quan sát khu vực Trung Đình, có thể đoán được vận mệnh của một người.
Hạ Đình là kết quả tổng hợp của Thượng Đình và Trung Đình. Việc quan sát khu vực Hạ Đình giúp ta có thể đoán được kết quả của việc vận dụng trí tuệ và nỗ lực cá nhân.
Khi xem tướng phải quan sát toàn bộ khu vực Hạ Đình để tìm ra điểm nhất quán. Nếu cả Tam Đình đều cân xứng là tướng phúc.
2.3 Về mặt thời gian
Tam Đình theo khái niệm về thời gian sẽ là:
- Thượng Đình: Giai đoạn tiền vận, tức thời thiếu niên, khoảng 15 - 30 tuổi.
- Trung Đình: Giai đoạn trung vận, tức thời trung niên, khoảng 31 - 50 tuổi.
- Hạ Đình: Giai đoạn hậu vận, tức thời lão niên, từ 50 tuổi trở đi.
3. Cách xác định và đặc điểm Tam Đình trên gương mặt
Thượng Đình là khoảng từ dưới chân tóc trên trán đến sát phần trên của phần giữa 2 đầu lông mày. Bộ vị quan trọng nhất của Thượng Đình là trán. Bởi vậy trán càng đầy, rộng, cao thì nghĩa là Thượng Đình càng đẹp, càng đắc cách.
Ý nghĩa sự phát triển các bộ vị của Trán:
- Thượng vị: não phát triển tốt, có khả năng phân tích tổng hợp, lý giải các dữ kiện tốt, kiến thức sâu rộng.
- Trung vị: trí nhớ tốt, kiến văn quảng bác.
- Hạ vị: có trực giác và khả năng thực hành tốt thành đạt sớm.
3.2 Bộ phận Trung Đình
Trung Đình là khoảng từ phần giữa 2 đầu lông mày vừa nói ở trên đến phần dưới của 2 cánh mũi.
Những bộ phận quan trọng của Hạ Đình bao gồm mũi, 2 mắt, 2 gò má (lưỡng quyền), 2 tai và 2 lông mày.
Tuy nhiên trong hầu hết các phương pháp xem tướng, tại Trung Đình, mũi là bộ phận quan trọng nhất. Cho nên, mũi cao, đầu mũi tròn, sống mũi thẳng nhô cao, đầy đặn, cánh mũi nở dày, rõ là yếu tố rất quan trọng khi xem Trung Đình.
- Lông mày: nên cong và dài quá mắt, cao và sáng, sợi đều nhau, nên dài dần về cuối chân mày, mọc cùng hướng với nhau, chiều mọc hướng lên.
- Mắt: tròng đen trắng phân minh, ánh mắt có thần thái.
- Mũi: cao nhưng không lộ khổng, sống mũi thẳng, không xiêu vẹo, chuẩn đầu nảy nở, tròn sắc sáng, da láng, sáng đẹp, Gián đài – Đình úy nảy nở, thịt dày, chắc, sắc sáng.
- Lưỡng quyền: tròn trịa, đầy đặn, nhưng không lộ cốt, cân xứng, độ rộng phải tỷ lệ nghịch với chiều cao của mũi.
- Sơn căn: nảy nở, không sẹo, không khuyết hãm, sắc sáng.
3.3 Bộ phận Hạ Đình
Hạ Đình là phần còn lại của gương mặt bên dưới Trung Đình, tính từ dưới 2 cánh mũi đến hết cằm. Hạ Đình sẽ bao gồm: nhân trung, miệng, cằm, pháp lệnh.
Bộ phận quan trọng với Hạ Đình là miệng và nhân trung.
- Nhân trung: sâu, dài, thẳng, trên hẹp, dưới rộng.
- Pháp lệnh: tròn, rõ, sâu, cân đối, không đứt đoạn, không chạy vào miệng.
- Miệng: có lăng giác rõ ràng, chiều rộng cân đối với chiều ngang cánh mũi, khi mở thì to, khi ngậm thì hẹp, Hải giác hướng thượng.
- Môi: dày cân đối, màu sắc phải tươi nhuận.
- Thừa tương: lõm vào, nhưng không khuyết hãm, không bị sẹo, không có nốt ruồi xấu.
- Địa các: rộng, dày, ngay ngắn, mang tai nảy nở, vuông vức, không lộ cốt, không khuyết hãm tự nhiên.
4. Luận giải tướng Tam Đình hung – cát
Nếu coi Tam Đình là vận mệnh của con người đại diện cho tam tài thì Thượng Đình là Trời, Trung Đình là Nhân, Hạ Đình là Đất. Để tổng hợp lý giải chung về Tam Đình, chúng ta sẽ đi nghiên cứu từng phần một.
Người xưa có câu: “Tam Đình bình ổn, nhất sinh y thực vô khuy”.
Tức là: Tam Đình cần nhất là bình ổn, không được có sự sai biệt quá đáng. Thượng Đình có thể nảy nở hơn, dài hơn, đẹp hơn Hạ Đình và Trung Đình đôi phần.
Thượng Đình nhọn hẹp hoặc khuyết hãm thì hay bị tai họa, khắc cha mẹ, tính nết ti tiện.
Trung Đình ngắn, lệch, khuyết hãm thường là kẻ bất nhân bất nghĩa, kiến thức nông cạn, hẹp hòi, đoản thọ.
Hạ Đình dài nhưng hẹp, nhọn, thiếu bề dày thì hậu vận cơ cực, cô quả, điền trạch khiếm khuyết, người có ước vọng vật chất nhưng không bao giờ đạt được.
4.1 Thượng Đình thế nào là tốt – xấu?
Đặc biệt trán không nên có vết sẹo, nốt ruồi, hố lõm. Nếp nhăn nếu có phải gọn, tóc mai mọc gọn, không được trùm xuống Ấn đường, xương Nhật Nguyệt giác không được quá cao hoặc quá thấp. Sắc của trán phải tươi sáng, nhẵn nhụi. Đây là những nét tướng đẹp của Thượng Đình.
Thượng Đình chủ yếu đại diện cho trí tuệ, nếu không có vết sẹo cho thấy người này có kiến thức uyên bác, sâu rộng và vận mệnh lúc trẻ tương đối suôn sẻ, thuận lợi. Bất luận được sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo nàn thì họ đều có được tình thương của cha mẹ.
Ngược lại trán mà thấp, hẹp, không sáng, nhọn, nhiều vết hõm là tướng không tốt, điềm báo khó thành công, khắc cha mẹ, tính cách thiên về ti tiện, tầm nhìn ngắn, suy nghĩ nông cạn, phải xem kỹ từng phần để cải thiện bản thân.
Ngoài ra, 2 tai (tượng trưng cho 2 sao Kim tinh và Mộc Tinh) không chiếu về trán (Hỏa tinh) thì cũng là tướng xấu. Những người có tướng này thường sẽ có gen di truyền không tốt, hoặc không được giáo dục chu đáo, khả năng trí lực và hành động thực tế kém hoặc không không có nhiều khả năng.
Vì thế cá tính người này không hề thuận, quá trình học tập không được thuận lợi, thời trẻ gặp nhiều trắc trở, công danh không tốt, nhân sinh quan thiên lệch, gia đình không được sung túc, song thân khó khăn, thậm chí họ phải sống cô đơn và gặp nhiều tai tượng bất lợi. Những người có tướng tai không tốt là những người hình khắc cha mẹ, không được hưởng phúc âm của bề trên.
Tất cả những người có tướng Thượng Đình không tốt đều cần phải kiên nhẫn trong học tập, dù vậy họ vẫn không đạt được thành tích cao. Do đó, những người có tướng này không nên nôn nóng tham lam, nên xem tướng Trung Đình và Hạ Đình để dự đoán tương lai của mình.
4.2 Luận tướng tốt – xấu của Trung Đình
Bộ phận này nếu như không có vết sẹo và vết đen thì về già được hưởng phúc, sự thanh thản, bản thân khỏe mạnh, tâm tư phóng khoáng, rộng lượng, không hẹp hòi với người khác.
Về cơ bản, Trung Đình cao, dài và đầy đặn là người có địa vị cao trong xã hội, Trung Đình gồ lên mà có thịt thì giàu có và sống thọ.
Dáng Trung Đình đẹp sẽ là cao, rộng, dài, cân xứng, cho nên mũi cần ngay thẳng, sống mũi rõ, hoặc tròn trịa hoặc đều đặn sẽ là mũi đẹp, được coi như hữu nhân giả thọ, sống lâu, công việc cuộc sống nhiều may mắn, có gặp bệnh tật, tai họa pháp lý cũng có thể vượt qua.
Bên cạnh mũi, phần lông mày cong và dài qua mắt, cao và sáng, hai bên lông mày mọc vếch lên trán, không lấp Ấn đường, không ép vào mắt, tròng đen và trong trắng rõ ràng, ánh mắt có thần thái, mũi cao không lộ lỗ, hai má đầy đặn, mũi và má cân đối hài hòa với nhau, tai, mũi và má cân đối,… những người có các yếu tố kể trên cũng được coi là người có tướng Trung Đình tốt.
Người có tướng Trung Đình và Thượng Đình tốt sau 30 tuổi sẽ có thêm nhiều tài lộc công danh, nếu tướng Trung Đình tốt mà Thượng Đình không tốt thì từ 31 tuổi trở đi nếu gặp trắc trở sẽ có quý nhân phù trợ. Trong cuộc sống, những chủ nhân thường có mối quan hệ xã giao tốt, cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc, tiền bạc vật chất đủ đầy.
Tất cả những người có Trung Đình không tốt, thường trong độ tuổi 31 – 50, may mắn lắm thì giữ được mức thu nhập ổn định, không nên tham lam đầu tư dựng nghiệp, nếu không sẽ bị thất bại.
4.3 Hạ Đình thế nào là tốt – xấu?
Ngoài ra, Hạ Đình cũng là phần giúp chúng ta dự đoán được tính cách, tình cảm, phẩm chất, các ưu điểm, nhược điểm, đặc biệt, nó chính là nhân tố quan trọng giúp chúng ta quan sát được vận hạn và cuộc sống của người đó từ năm 50 tuổi trở về sau, tuổi thọ, con cái và thành công trong cuộc đời.
Tướng Hạ Đình tốt sẽ bao gồm các đặc điểm: Nhân trung, sâu và dài, phía bên trên hẹp, phía bên dưới rộng, pháp lệnh tròn, rõ và sâu, lông mi dài, râu đen và sáng, khẩu hình đẹp, khi mở thì to, khi ngậm thì hẹp, có cạnh, có thế, khóe miệng không kéo xuống phía dưới, sắc tướng tươi sáng, răng bằng, trắng, môi cân xứng, Địa các rộng và dày, má tròn trịa và đầy đặn.
Người sở hữu những đặc điểm kể trên là những người thành đạt muộn, vận may thường đến với họ sau năm 50 tuổi và họ hoàn toàn có khả năng nắm bắt vận may này. Ngoài ra, những người có tướng Hạ Đình tốt thường là những người có vợ hiền con thảo và có địa vị nhất định trong xã hội.
Ngược lại, tướng Hạ Đình xấu gồm các đặc điểm: Hạ Đình quá dài hoặc quá ngắn (tốt nhất Tam Đình phải cân bằng với nhau, kỵ nhất là Hạ Đình quá dài hoặc quá ngắn), nhân trung nông, lệch, nhỏ, ngắn, có vân hoặc nốt ruồi, không có ria hoặc râu mọc quặp vào phía miệng; pháp lệnh ngắn, không rõ hoặc chân đường pháp lệnh sát miệng, khẩu hình xấu, nhỏ hoặc khóe miệng chúc xuống dưới, Địa các nhọn, lõm, má gây hóp, tại có màu tối, dái tai không hướng về phía miệng.
Mặc dù thời trung niên chủ nhân gặp nhiều may mắn, nhưng nếu tướng Hạ Đình xấu thì khi về già, hoặc họ sẽ bị thất bại hoặc sẽ bị bệnh tật triền miên, vợ con ít phúc đức.
Người có Hạ Đình xấu nếu thời trẻ không gặp may thì về già càng có quá nghèo hèn, tuổi thọ không cao. Tất cả những người không gặp vận may khi về già, nếu họ tự ý thức được (tướng số của mình không tốt) sẽ được hưởng nhiều niềm vui nhờ sửa chữa vận mệnh.
Sau khi đánh giá từng phần, khi xét tổng thể cả 3 phần hợp nhất thì khi Tam Đình tương ứng cân xứng, đều đẹp đẽ được coi là tướng mạo thượng đẳng, cả đời không lo cơm áo gạo tiền, sống hạnh phúc.
Nếu có phần nào trong Tam Đình không được đẹp thì cần xét từng phần để đánh giá, dựa vào các phần đẹp để bù đắp. Còn nếu cả 3 phần đều không tốt, thì cuộc sống sẽ khó khăn, gặp nhiều vất vả, trở ngại, cần phải tự thân cố gắng, dùng ý chí phấn đấu để khỏa lấp lại.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về Tam Đình trên gương mặt. Thông qua đó, hy vọng bạn đã có thể lý giải được Tam Đình là gì cũng như luận đoán tướng Tam Đình tốt – xấu để hiểu hơn về vận mệnh cuộc đời mình.