Tìm hiểu về tướng xương trong nhân tướng học
(Xemsomenh.com) – “Xem xương coi tướng” cũng là một trong cách xem bói trong nhân tướng học. Qua đó có thể đoán biết tính cách, bản chất cũng như vận mệnh của mỗi người.
1. Tìm hiểu về xương và nhân tướng
Người xưa có câu: "Xương làm chủ thân thể con người" và" Phép xem xương có thể đoán được sự sang hèn của con người".
Một vài quan điểm cho rằng giữa xương với thịt, xương là vua thịt là quan đại thần, xương là trụ cột của thân thể nhưng xương phải tương xứng với thịt. Nếu xương chìm, thô trệ, mà thịt lại dầy thì ô trọc. Nếu xương nhẹ mà không ngang không lộ, tương xứng với thịt là tướng thiện.
Xương là dương, thịt là âm, dương không nhiều mà âm không quá ít. Nếu như âm dương cốt nhục cân bằng lúc trẻ không sang thì về cuối đời cũng giầu có, người mà sang thì xương nhỏ tròn dài.
Xương và thịt thư vua và quan bổ trợ cho nhau. Xương chắc tất nhiên giầu có lương thực đầy đủ. Xương và thịt không tương khắc nhau gân cốt tốt là tướng quý. Xương là rường cột cả một đời, hoặc giàu sang, hoặc nghèo hèn, hoặc phúc lộc, hoặc tai họa hung dữ... tất cả đều bắt nguồn từ tướng xương.
Xương đẹp phải không ngang không tròn không thô; người gầy mà không lộ xương , xương và thịt phối hợp và hỗ trợ nhau . Xương nằm dưới thịt , thịt dựa vào xương mà sinh ra, mối quan hệ này như âm với dương. Nói tóm lại xương không nhẹ, lộ, lạnh, mỏng, mà đều, tròn là tốt.
Trong tướng xương quan trọng nhất là xương đầu. Xem tướng xương trước hết sờ vào đầu, trán, lưỡng quyền xương sau ót. Cái đầu giống như hình của trời thống lĩnh các bộ phận trong cơ thể, đứng đầu các loại xương. Đầu thẳng mà đẹp, luôn ngẩng cao là tướng quý, dài mà vuông thì được cát tướng.
2. Những điều lưu ý khi xem tướng xương đầu
- Xem tướng xương trước tiên nên xem xương ngọc chẩm (xương chẩm): nằm phía sau đầu càng nổi rõ càng tốt. Nếu kéo dài theo chiều ngang và có phần thịt đệm dày là người được hưởng phúc đức, thọ cao, nhiều phúc âm.
- Xương nhật giác: Là xương nằm hai bên trái của mày. Người có xương nhật giác thì đại quý. Người có xương long tê nhật giác thì có tướng làm vua.
- Xương nguyệt giác: Là xương nằm bên phải của mày đối xứng với xương nhật giác nằm bên trái. Người có hai xương nhật nguyệt giác nhô cao lên trước 30 tuổi đã được đắc chí như ý.
- Xương phục tê: Là xương mũi kéo thẳng lên đỉnh đầu. Xương phục tê từ Ấn Đường đến thiên trung thì chủ nhân sẽ làm đến quan đại thần. Nếu xương phục tê kéo dài là một loại tướng đại quý, rất hiếm có.
- Xương lưỡng quyền: Nằm ở hai bên mặt gồm đông nhạc và tây nhạc, cả hai được gọi là "nhân phủ". Lưỡng quyền phải đối xứng nhau, không được nhô lên hoặc lõm xuống cũng không được kéo dài đến phần tóc mai thì mới là tướng phú quý. Nếu nhô quá cao là tướng xấu, nửa cuộc đời gặp điều xui xẻo. Người có xương lương quyền vừa phải không nhô xương là tướng tốt, có quyền thế.
- Xương dịch mã: Phần xương lưỡng quyền kéo dài đến tóc mai và nhô lên gọi là xương dịch mã, còn có tên là long linh cốt (xương rồng và chim linh). Xương dịch mã ở bên cạnh cuối mày có sắc đỏ vàng thì khỏe mạnh được vua ban lộc. Xương dịch mã phát triển đều đặn, không lộ thì thành nghiệp lớn.
- Xương tướng quân : Là xương lưỡng quyền nhô lên hai bên tai, còn gọi là xương phượng vỹ (đuôi con chim phượng). Người có tướng xương này nên vào quân đội có thể làm quan võ.
- Xương long cung: Phần xương quanh mắt tròn gọi là xương long cung. Tướng xương này nếu xương thịt đầy đủ, sắc mặt hồng hào thì có thể lập đại nghiệp, vang danh thiên hạ.
- Xương cự ngao: Là phần xương nhô cao bên cạnh hai tai ví như kim mã ngọc đường. Những người có tướng xương như thế sẽ vinh hoa làm quan đến chức thượng thư.
- Xương long giác: Nằm trên mày ngang từ trái sang phải, còn có tên là xương phụ giác. Người có tướng xương này cũng làm quan có chức vị.
Chú ý, các loại xương trên còn có những cách gọi khác nhau. Đương nhiên trong thực tế khi xem tướng không thể quan sát tỉ mỉ tất cả xương đầu.
Ngân Hà