Trầm hương là gì? Ý nghĩa, tác dụng của trầm trong cuộc sống và phong thủy
(Xemsomenh.com) Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần nghe đến cái tên trầm hương và sự quý giá của trầm. Vậy rốt cuộc trầm hương là gì? Sản vật này có giá trị và tác dụng ra sao? Hãy theo dõi trong bài viết dưới đây bạn nhé.
1. Trầm hương là gì?
Theo quan niệm dân gian, trầm hương vốn được coi là “hương khí của trời” bởi sản vật này là hương trời được gió đưa đi đáp vào những chỗ bị thương của cây Dó Bầu.
Sau khi đáp lên cây Dó Bầu, hương khí ấy hòa chung với nhựa cây chảy ra từ vết thương ấy, qua thời gian hun đúc, được “tắm” trong các điều kiện tự nhiên như nắng, gió, đất tốt… rồi dần hình thành nên trầm.
Cũng bởi vậy, trầm hương được người đời coi là “nguồn linh khí kết tinh của trời đất”.
Đó là trong dân gian, vậy khoa học định nghĩa trầm hương là gì?
Khi cây Dó bị thương sẽ tiết ra chất dầu để kháng cự lại sự nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài. Chất dầu đó dần đọng lại và biến tính thành trầm.
Đây cũng chính là đặc điểm giúp người đi tìm trầm (gọi là phu trầm) phát hiện ra cây có trầm hương, bởi đó thường là những cây xơ xác, thân có u, bướu, sâu đục, mảnh bom đạn găm và bị giông gió làm gãy cành hay sét đánh.
Trầm hương được chia thành 2 loại là trầm hương và kỳ nam. Trong đó, kỳ nam được coi là cao cấp hơn cả, tốt hơn nên quý hiếm và giá thành cũng cao hơn. Rất ít người có điều kiện sử dụng kỳ nam.
2. Phân loại trầm hương
Thực tế trầm hương được chia thành 3 loại như sau: Kỳ nam, trầm hương, tốc.
- Kỳ nam (gọi tắt là Kỳ) là loại trầm quý hiếm nhất nên giá thành có thể lên tới hàng tỷ đồng do đặc tính khó khai thác của loại trầm đặc biệt này.
Kỳ chứa lượng dầu hương lớn nhất, mềm, dẻo, khi nếm có đủ các vị cay, đắng, ngọt, thơm. Kỳ nam có hương thơm tự nhiên, khói màu xanh, bay thẳng và dài lên cao.
Kỳ nam được chia thành 4 loại dựa vào tính chất và sắc vị đúng như câu “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Cụ thể:
+ Bạch kỳ: Màu trắng ngà hoặc xám nhạt, vô cùng quý giá và khan hiếm nên có giá trị đắt nhất.
+ Thanh kỳ: Màu xanh xám, hơi có ánh lục, quý giá và có giá trị sau bạch kỳ.
+ Huỳnh kỳ: Màu vàng sẫm hoặc vàng nâu, quý hiếm, giá trị sau thanh kỳ.
+ Hắc kỳ: Màu đen chàm, quý hiếm, đắt giá sau huỳnh kỳ.
- Trầm hương: So với kỳ nam, trầm ít dầu hơn, khá nặng, có vị đắng. Khi đốt, trầm mới tỏa hương thơm, khói màu trắng, bay quẩn quanh rồi tan ngay.
Trầm được chia thành 6 loại theo phẩm cấp là: sáp có màu trắng (giá trị cao nhất), sáp màu xanh đầu vịt, sáp sắc xanh, sáp màu vàng, sáp màu vằn lông hổ, sáp màu vàng đốm dầu.
- Tốc: Là loại trầm được hình thành ở trên thân cây Dó, chất đặc, không có lỗ, mức nhiễm dầu ít nhất so với Kỳ nam và trầm hương.
Chính vì thế nên mức giá trầm tốc trên thị trường cũng chỉ dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, rất hợp túi tiền của nhiều người nên được ưa chuộng và thông dụng nhất hiện nay.
3. Ý nghĩa của trầm hương trong cuộc sống và tâm linh
- Trong cuộc sống:
Hương thơm đặc biệt của trầm mang sự ấm áp, dịu nhẹ, vương vấn khiến người ta cảm thấy dễ chịu khi ngửi và ngửi một lần là sẽ nhớ mãi không thôi.
Sở dĩ trầm hương quý đến vậy là bởi sản vật này có nhiều công dụng trong chữa bệnh và định thần. Theo y học cổ truyền, trầm hương có mùi thơm, vị cay, tính ôn nên có tác dụng giáng khí huyết, an thần, giảm đau đầu, cải thiện giấc ngủ sâu giấc hơn, ấm thận, tráng dương…
Trầm cũng có tác dụng tốt trong điều trị các chứng đau bụng, đau tức ngực, nôn, nấc, hen suyễn, thận hư, bí tiểu. Đặc biệt, tinh dầu trầm còn tăng cường sinh lực cho phái mạnh rất hữu hiệu.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xông tinh dầu trầm sau một ngày làm việc mệt mỏi và nhiều áp lực có thể giúp giảm bớt căng thẳng, làm tinh thần luôn minh mẫn, sảng khoái, an thần dễ ngủ. Đây còn là một loại nguyên liệu quý giá dùng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
- Trong đời sống tâm linh:
Với riêng người Việt Nam, trầm hương không chỉ là kết tinh của trời đất mà còn chứa đựng cả nền văn hóa từ thời cổ đại của dân tộc ta.
Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Thục An Dương Vương đã có không ít sách sử ghi chép và nhắc đến trầm hương.Vào thế kỷ thứ X, các nghệ nhân đã dùng gỗ trầm để làm thành hòm gia bảo đựng bộ long bào của vua Đinh Tiên Hoàng.
Trầm được dùng để chế ra rất nhiều vật phẩm tâm linh như nhang trầm, tượng trầm, bột trầm, vòng trầm… mang lại vượng tài ích khí và sự bình an cho tâm hồn người sử dụng.
Bởi vậy, vào các dịp lễ tết quan trọng, người ta thường đốt trầm trong lư nhằm thể hiện sự tôn kính với thần linh và tổ tiên.
Đặc biệt, nhang trầm là thứ vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam. Nhang trầm được làm từ bột trầm hương – thứ kết tinh từ trời đất nên được coi là sợi dây kết nối linh thiêng giữa con người thực tại và thế giới tâm linh.
Một nén nhang trầm hương dịu nhẹ đốt trước bàn thờ ông bà, tổ tiên là cách người Việt thể hiện sự nhớ ơn và niềm tin giúp người đã khuất được ấm áp hơn ở thế giới bên kia.
Một nén nhang trầm dâng lên các vị thần linh để thể hiện sự tôn kính và gửi gắm ước nguyện, mong được các vị thần linh che chở và bảo vệ cho cả gia đình.
Lam Lam