Chân lý cuộc đời trong lời Phật dạy về sự tiến bộ

Mục lục
    Thu gọn
 
Mục lục
    Thu gọn

Chân lý cuộc đời không phải là những tranh cãi về đúng sai, hay sự phân định giữa được mất, hơn thua. Cuộc sống không đơn giản chỉ là cái nhìn hời hợt vào thành công hay thất bại, khen ngợi hay chỉ trích. Thực chất, chân lý ấy thuộc về những người có trí tuệ sâu sắc, những người biết nhìn nhận cuộc đời với một cái nhìn thấu đáo, đúng như thật. Đó là những người sống với tinh thần trách nhiệm cao, luôn hướng đến lợi ích của tất cả chúng sinh, không vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến người khác.

Đức Phật, với tuệ giác tuyệt vời của mình, đã chỉ ra rằng, chân lý không phải là thứ dễ dàng nhận ra qua con mắt phàm tục, mà cần có sự hiểu biết, sự tỉnh thức và sự hòa hợp giữa hành động, lời nói và suy nghĩ. Chân lý cuộc đời, theo Phật dạy, không phải là một tri thức hời hợt mà là một con đường dẫn đến sự giải thoát, tự do và an lạc. Điều này đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải vượt qua những chấp trước, buông bỏ cái tôi và học cách nhìn nhận cuộc sống từ góc độ rộng lớn hơn, từ cái nhìn của tình yêu thương và lòng từ bi.

Chan ly cuoc doi trong loi Phat day ve su tien bo hinh anh

Phật dạy về sự tiến bộ là một hành trình không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Tiến bộ không phải là một cuộc đua đến đích cuối cùng, mà là quá trình tự tu sửa, tự hoàn thiện bản thân, từ việc chấp nhận những khiếm khuyết của mình cho đến việc hướng tới sự cao thượng, nhân ái. Lời Phật dạy về sự tiến bộ muôn đời vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở chúng ta không ngừng phát triển trí tuệ, không ngừng nuôi dưỡng tình thương, để từ đó đạt được sự an lạc trong cuộc sống này.

Con người sống trên đời thường hay so sánh, bì tị với người khác, dòm ngó những lỗi sai của thiên hạ, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, cố chỉ ra những điều chưa hay, chưa tốt để chế nhạo. Đó không phải lẽ sống chân chính, không phải là lý tưởng để phát triển. Lời Phật dạy về sự tiến bộ tức là thay vì tốn thời gian chỉ trích người khác, hãy tự nhìn nhận lại bản thân mình.  

Thái độ phê bình chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ nhất của người Phật tử chân chính. Nếu chúng ta thật sự là người tu hành, thì ta chỉ nên nhìn ngó lại lỗi mình, để lo sửa đổi cho tốt. Cốt lõi của sự tiến bộ không phải là ở hơn người mà ở tự hoàn thiện bản thân mình. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:  

Không nên nhìn lỗi người, 

Người làm hay không làm.

Nên nhìn lại chính mình, 

Có làm hay không làm.  

Theo Lời phật dạy về sự tiến bộ, người Phật tử chân chính là không nên nhìn lỗi của người khác, vì khi nhìn thấy lỗi của người, thì lỗi của mình đã hiện ra, bởi tâm ganh ghét tật đố kị. Một khi chúng ta đã phát hiện ra sự khiếm khuyết của người khác, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó, đã dấy lên phiền não rồi.  

Người Phật tử chân chính sống biết buông xả, không cố chấp chỉ quay bên trong quán xét tâm mình, nhìn thấy lỗi mình mà cố gắng sửa sai để cho tâm được thanh tịnh, nếu có ai chỉ lỗi cho mình thì mình nên chân thành cám ơn họ, vì họ là thiện hữu tri thức giúp ta sống tốt hơn.  

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ nói: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”, thật là lời dạy quý báu, chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời này, để làm bài học tiến tu. Vậy nên người thật sự tu học là biết cách tu sửa bản thân mình, không chỉ trích phê phán người khác.