Tranh cãi khiến bạn dễ nổi nóng, vậy Đức Phật sẽ làm gì với tình huống tương tự?
(Xemsomenh.com) Những gì Đức Phật nói về người hay tranh cãi giúp chúng ta hiểu ra rằng không phải cứ dùng lý trí của một người khôn ngoan là có thể khẳng định mình đúng, người khác là sai. Những gì bản thân Ngài chứng ngộ được không nên là chủ đề để phân tích, lý luận sẽ dễ lầm đường lạc lối.
1. Đức Phật nói về người hay tranh cãi
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ có một vị Tỳ Kheo tu học theo Phật pháp nhưng lại ưa thích tranh cãi, làm rối loạn chúng Tăng, mất sự hòa hợp giữa mọi người chỉ vì sự "lắm mồm" của mình.
Các Tỳ Kheo cùng chung Tăng đoàn một thời gian vì chán quá mà bỏ đi, trong khi những người trước đây muốn gia nhập nhưng nghe chuyện cuối cùng cũng từ bỏ ý định. Do tội ấy cho nên vị này bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng. Thậm chí vì dư báo địa ngục nên thường phải mang cái thân người, tiếp tục chịu khổ. Có thể thấy những người ưa thích tranh cãi như thế thường xuyên gây cảm giác phiền phức, khó chịu cho mọi người xung quanh. Ví dụ cụ thể trên đây cho thấy họ đã làm ngăn cản cơ hội tu tập của nhiều người và vô tình lãnh hậu quả do bản thân gây ra cũng chỉ vì cái miệng của mình.
Thực ra, người ưa tranh cãi là họ nặng về khẩu nghiệp xấu ác, họ cũng chưa biết chuyển hóa để khẩu hành thanh tịnh. Cái nghiệp này còn theo họ mãi từ kiếp này cho tới kiếp khác nếu bản thân không đủ thức tỉnh để thay đổi. Đức Thế Tôn còn nhắc nhở rằng nếu không chuyển hóa khẩu nghiệp thì "Do tội ấy cho nên bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng".
Lời Phật dạy về khẩu nghiệp đã chỉ ra rằng, người thế gian xem nhẹ lời nói của mình thế nên mới rước họa vào thân. Họ giữ niềm tin rằng phải dùng tác động vật lý mới mang lại đau đớn, thế nhưng lời nói cũng có tính sát thương rất cao.
Đức Phật nói về người hay tranh cãi thường không có thói quen khen ngợi một sự việc nào đó, luôn "vạch lá tìm sâu" nên không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn…
Bản chất của tranh cãi thường dựa trên chấp thủ tự ngã và xuất phát từ tâm bất mãn, sân giận. Vậy nên họ đánh mất niềm vui, hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Đức Phật từng mô tả việc người đang tranh cãi như đang "đấu tranh nhau bằng binh khí miệng lưỡi” để hình dung những lời hung ác, các tiếng khó nghe khi cãi vã lẫn nhau cũng chan chát và tóe lửa như gươm giáo chạm nhau.
2. Đức Phật đối trị với người tranh cãi?
Đức Thế Tôn dạy các Tỳ Kheo rằng Ngài không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với mình vì người nói pháp không tranh luận với bất cứ ai. Theo đó, Ngài cho rằng:
"Cái gì người có trí ở đời chấp nhận là không, Ta cũng nói là không; cái gì người có trí ở đời chấp nhận là có, Ta cũng nói có.
Người có trí ở đời không chấp nhận sắc, thọ, tưởng, hành và thức là thường còn, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là không.
Đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là không, Ta cũng nói là không.
Người có trí ở đời chấp nhận sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là có vậy.
Đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là có, Ta cũng nói là có".
Qua những gì Đức Thế Tôn chia sẻ, có thể thấy, mỗi khi người trí ở đời nói như thế nào thì Phật chấp thuận như thế vì Ngài hiểu rằng con người đang bị giới hạn ở mức độ hiểu biết của chính mình. Ngay cả người trí thời đó mà còn cho là như vậy thì tranh cãi không ích gì, đối phương cũng không vì thế mà có thể ngộ ra vấn đề. Nếu hiểu thế trí biện thông là gì, chúng ta sẽ biết rằng những gì ta biết, ta tưởng rằng mình khôn hay giỏi hơn người hoặc thậm chí là chuyên gia trong một lĩnh vực lại chính là rào cản khiến ta không có được thông tin chính xác nhất. Mọi thứ vẫn đang chỉ ở trong giới hạn kinh nghiệm của mình mà thôi. Trong khi đó, những gì bản thân Đức Thế Tôn đã chứng ngộ được, sau này Ngài mới mang ra để tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị... Với những ai khi được tiếp nhận những gì Ngài nói nhưng vẫn không biết, không thấy, thì Ngài xem là phàm phu, mù lòa, không có mắt.
Điều này có nghĩa là những gì Đức Thế Tôn nói ra là dựa trên nền tảng tuệ giác mà Ngài đã chứng ngộ, không phải là sản phẩm của tư duy để mang ra tranh cãi. Một khi đem ra để luận lý như một học thuyết thì thông tin không còn xác thực nữa. Những gì là chủ đề tranh cãi hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân, mà cái này mỗi người một khác.
Những người thế gian nào mà không thấy không biết nên họ tranh cãi với Phật, việc này không phải là lỗi của Ngài. Và họ có lỗi như vậy, họ tranh cãi như vậy Đức Phật cũng không làm gì được. Ngài không tranh luận với đời nhưng khéo điều phục, khéo vượt qua.
3. Nên làm gì với người cố tình gây tranh cãi?
Thông thường chúng ta để lời nói, hành động bộc phát tự nhiên, theo bản năng (phản ứng động vật). Thế nên ai quát ta thì ta quát lại, ai đánh ta ta đánh lại,... do đó cuộc đời của ta luôn luôn sống trong những nỗi khổ, niềm đau. Vậy ta nên có "kế hoạch" làm gì mới phù hợp?
3.1 Thực hành đức Nhẫn
Trong cuộc đời của mình, ai chẳng đôi ba lần tranh cãi. Thế nhưng, sau mỗi lần như thế, thua thì tức giận, thắng thì hả hê, nhưng cả hai trạng thái này đều không nên khuyến khích, nhất là đối với những ai đang tu tập. Dĩ nhiên việc tranh luận, thảo luận, bàn bạc... là điều cần thiết và đáng khuyến khích. Thế nhưng phải nói trong chánh niệm, yêu thương, hòa ái nhằm xây dựng và hoàn thiện lẫn nhau vì mục tiêu chung, vì lợi mình và lợi người. Tranh cãi để làm sáng tỏ chân lý, minh bạch cái đúng cái sai nhưng vẫn giữ tâm bình tĩnh, từ bi thì không sao. Còn tranh cãi để bảo vệ cái "tôi" của mình bất chấp việc gây đổ vỡ mối quan hệ, tạo ra không gian sống bất hòa, mọi người luôn nghi kỵ, căng thẳng thì không nên. Khi gặp những điều chưa hiểu hay bất đồng thì nếu có thể hãy tìm cách giải trình với ngôn từ nhẹ nhàng, dùng sự thấu hiểu để sẻ chia, tìm ra tiếng nói chung trong sự hòa hợp. Hiểu được như vậy chúng ta phải thiết lập trạng thái nhẫn nhục, an tĩnh trước bất cứ hoàn cảnh nào. Có nhẫn nhục chúng ta mới có thể kham nhẫn được với các chướng duyên xuất hiện trong cuộc sống. Khi hiểu rằng những tranh cãi chỉ gây ra thêm tội lỗi thì tốt hơn hết ta chọn cách kiềm chế, tự chủ và trầm tĩnh hơn. Thực hành đức Nhẫn không phải hèn nhát mà chỉ có thiếu bản lĩnh thì từ lời nói cho tới hành động bộc phát, nông nổi. Có câu: “Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh”. Nghĩa là nhẫn nhục biểu hiện sức mạnh của ý chí, sự vững chắc của nội tâm. Cố gắng thực hành chữ Nhẫn là để đoạn trừ sự bộc phát sân tâm, cảnh giác ngăn ngừa tội lỗi khổ sở tấn công vì biết mình đã làm sai.
3.2 Trải tâm yêu thương
Tranh cãi nhiều thì tâm luôn trong trạng thái bất an, nếu sân giận xuất hiện thì chẳng bao giờ tìm thấy được niềm vui. Còn đứng trên góc nhìn Phật giáo thì một người hay gây tranh cãi là so sự thiếu hiểu biết, hung hăng nên nghiệp rất nặng. Người ưa tranh cãi cũng sẽ rất khó tu cũng như rất khó có thể hòa hợp với mọi người, hay bị xa lánh, không ai dám lại gần. Thế nhưng, ta có thể đi ngược lại với số đông bằng cách tìm cách gần gũi họ vào thời điểm thích hợp, mang lại cho họ cảm xúc tích cực bằng sự yêu thương, thấu hiểu. Ái niệm là nghĩ đến nhau với tâm yêu thương và kính trọng, sau khi cãi nhau mà có ái niệm cũng là điều khó, không phải ai cũng làm được. Nhưng đừng quên dùng sự hiểu biết và thương yêu để nâng đỡ, làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho họ. Chỉ cần bằng việc trải tâm yêu thương với người hay tranh cãi để giúp họ cảm thấy được đâu là sự bình yên mà họ cần đã là việc rất tốt. Như thế cũng có nghĩa là cơ hội thay đổi bản thân cũng vì thế mà được mở ra với những người này.
Chúng ta khó có thể khuyên răn họ ngay lập tức nhưng thể hiện sự bao dung, dang rộng vòng tay, nâng đỡ, dắt dìu giúp cho họ chuyển hóa là việc nên làm.
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: