Lời Phật dạy: Khen chớ vội mừng, bị chê cũng chớ vội buồn
(Xemsomenh.com) Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những lời khen chê từ người khác. Khi được khen ngợi, ta dễ vui mừng, tự hào. Khi bị chê bai, ta dễ buồn bã, tổn thương. Đôi khi, những lời khen khiến ta tự mãn, những lời chê làm ta mất tự tin. Cứ như vậy, con người để tâm trạng mình trôi nổi theo những lời nói bên ngoài, đánh mất sự an ổn bên trong. Nhưng dưới cái nhìn của Phật giáo, khen hay chê đều chỉ là những âm thanh thoảng qua, không thể tác động lên ta nếu ta không tiếp nhận chúng một cách bị động.
Đức Phật từng dạy rằng: "Người khen, người chê cũng giống như gió thoảng mây bay, chỉ khi tâm ta không bị dao động bởi chúng thì mới có thể giữ được sự an nhiên." Điều đó có nghĩa là, nếu ta hiểu rõ giá trị của chính mình, ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời khen hay chê từ bên ngoài. Nếu ai đó khen ta, nhưng ta không tự kiểm chứng rằng mình có thực sự xứng đáng hay không, thì lời khen đó có thể khiến ta kiêu căng. Ngược lại, nếu ai đó chê bai ta mà ta vội tin ngay, thì có thể ta đang tự làm tổn thương chính mình.
Từ góc độ nhân quả, những người khen chê đúng đắn, chân thành thì sẽ tạo ra phước báo lớn, bởi họ giúp người khác nhận ra giá trị thật của mình. Nhưng nếu lời khen chỉ là nịnh hót, tâng bốc, hoặc lời chê chỉ nhằm công kích, hạ bệ người khác, thì người nói sẽ tự tạo nghiệp xấu cho chính mình. Người con Phật hiểu rằng, giá trị của một người không nằm ở những lời nói bên ngoài, mà nằm ở việc họ sống thiện lành, có trí tuệ và biết giữ tâm bình an trước mọi sự khen chê của cuộc đời.
Vậy nên, thay vì vui mừng khi được khen hay đau khổ khi bị chê, ta hãy bình tâm suy xét. Nếu ai khen, hãy xem ta có thật sự xứng đáng không. Nếu ai chê, hãy xem đó có phải là lời chân thành giúp ta sửa đổi hay không. Nếu đúng, hãy tiếp nhận để hoàn thiện bản thân. Nếu sai, hãy để nó trôi đi như mây trời. Khi không bị ràng buộc bởi khen chê, ta sẽ đạt đến sự tự tại, bình an và hạnh phúc trọn vẹn.
Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo
Khi Phật bị vu khống tội tà dâm và giết người nhưng Ngài vẫn bình thản, an nhiên, tự tại trước những cơn gió độc để chứng minh với đời mình đã thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian.
Người ta chê bai, chửi mắng Phật nhưng Ngài vẫn an nhiên, bình thản không đón nhận mà còn khởi tâm từ bi thương xót vì người kia quá vô minh, mê muội.
Chính vì vậy trước khi nhập diệt Ngài đã báo cho bốn chúng trời người biết rõ thời gian thị tịch của mình hơn ba tháng. Cho nên, tùy theo sự dụng công tu hành của mọi người mà có các thứ ma khác nhau đến để nhiễu loạn quấy rối làm hại ta.
Hai loại ma danh vọng và lợi dưỡng dễ chi phối người tu hành có nghĩa là được tiếng khen và được lợi lộc. Hai ngọn gió này dần dần làm ta mờ mắt, cho đến khi ta hết thấy đường thì chúng xỏ mũi ta đi một cách nhẹ nhàng. Phật giáo dạy con người hãy từng bước vượt qua sự cám dỗ của cuộc đời, muốn vậy ta phải nhận ra tính biết sáng suốt và hằng sống được với tính biết đó.
Có như vậy thì những phiền não từ vô thủy kiếp đến nay mới có thể dần được chuyển hóa và tan hòa vào hư không.
Mỗi người phải biết rằng chúng ta sống một đời sống có chánh niệm, là sống có tình thương. Vì vậy khi khen, chỉ với mục đích duy nhất là nuôi dưỡng sự sống. Khi quở trách chỉ với mục đích duy nhất là xây dựng, bảo vệ, che chở, mà không làm tổn thương đến sự sống hay đến bất cứ ai.
Một hôm Đức Phật cùng các tỳ kheo đi khất thực trở về tinh xá. Có hai thầy trò ngoại đạo đi theo sau Phật. Một hôm, đức Phật đi trước và một nhóm sa môn ngoại đạo theo sau. Các vị sa môn trẻ hết lời khen ngợi đức Phật là vị tu hành chân chính, có trí tuệ và khả năng biện tài vô ngại, dám bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để đi tu và là vị thầy dẫn đường xứng đáng nhất thời đó.
Khi nghe như vậy các vị tỳ kheo cùng đi với Phật rất hân hoan, khoái chí vì thầy của mình được mọi người khen tặng nên bản thân cũng được thơm lây. Đi được một đỗi lại gặp đám đông khác nói: “Ông sa môn Cồ Đàm là kẻ phá hoại sự sống của nhiều người. Ai cũng thích tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều. Vậy mà ông ta lại khuyên không nên chạy theo và dính mắc vào chúng mà làm tổn hại thân tâm. Ông ấy đi đến đâu là người ta đổ xô theo đến đó để tu tập khiến chồng bỏ vợ, cha bỏ con để sống đời xuất gia”.
Khi nghe chỉ trích Phật vẫn an nhiên, bình tĩnh. Trong khi đó các vị tỳ kheo cảm thấy rất khó chịu, bực bội. Nhân đó Phật nói: “Người thầy chỉ trích Phật như thế không đúng và người trò tán thán Phật như thế cũng không đúng. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết khen Phật”. Đa số người phàm khen Phật đều căn cứ trên hình tướng vì thấy Phật giữ giới, ăn ngày một bữa, mặc ba lá y, ở dưới gốc cây, sống không gia đình... Phật cho đó là hình tướng bên ngoài không quan trọng, tối quan trọng là chỗ "Phật biết tất cả mà không chấp".
Giá trị của con người thường được chúng ta đánh giá trên hình thức, trên hành động, mà ít được nhìn thấu đáo tường tận ở nội tâm. Có nhiều người dáng vẻ bên ngoài rất nghiêm trang nhưng nội tâm lại không tốt. Ngược lại, có những người hình tướng có thể thô tháo nhưng tâm họ lại tốt hay. Cũng như có nhiều loại trái cây da bên ngoài chín đỏ mà ruột thì chưa chín, lại cũng có những loại trái cây ngoài vỏ xanh trong ruột đã chín.
Theo Phật, giá trị con người không phải ở hình thức như giữ giới, ngày ăn một bữa, mặc chỉ ba lá y... mà phần tinh thần và trí tuệ mới quan trọng.
Trí tuệ là biết tất cả mà không chấp. Ngoại đạo họ thấy tới đâu là chấp tới đó. Từ cái chấp ấy mà họ đặt ra thuyết thường thuyết đoạn rồi luận chiến nhau. Phật biết tất cả và còn biết hơn ngoại đạo đã biết, nhưng Ngài không chấp không dính mắc, đó là cái đáng khen mà người thế gian không biết để khen. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết được điều đó để khen. Khen đó là cái khen chân chính của người trí tuệ.
Ở đời người ta hay đánh lừa thiên hạ, cứ nhìn qua hình tướng hoặc nghe qua dư luận, rồi khen, rồi chê không cần biết đúng hay sai. Vì vậy mà Phật dạy: Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng, mà phải biết nghe và tự xét lại mình. Người thế gian thường khi bị chê liền phản ứng, tức tối bực bội, không vui... Ngược lại được khen thì vui vẻ tươi cười. Đa số chúng ta đều đang mắc kẹt chỗ này.
Ở trong bối cảnh đó, Phật nhắc chúng ta đừng vướng bận sự khen chê, mà phải thấu đáo tâm trạng của người, thì sự khen chê mới có giá trị. Thế nên Phật nói: “Chỉ có bậc Thánh, đệ tử bậc Thánh mới biết chỗ đáng khen của Phật để khen”. Còn những hình thức về giới luật, chưa đáng để khen.
Chê chớ vội sầu khen chớ vội vui
Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì thế, khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, lòng đố kỵ sinh đau khổ cho chính họ. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê đó.
Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.
Chê người khác đã là một việc khó nhưng có đủ bản lĩnh, tầm vóc để đón nhận lời chê còn khó hơn. Hãy bình tĩnh lắng nghe và đi vào chi tiết từng câu nói của người chê trong lúc ấy gần như tâm chúng ta bớt loạn và không thốt ra những lời vô nghĩa.
Đừng để cảm xúc đưa mình tới suy nghĩ rằng mình đang bị lấn át hay cảm giác bị ức chế mà hãy tìm trong mỗi câu chỉ trích một điều đúng mà bản thân chúng ta cần thay đổi. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không nên lo lắng người khác đang nghĩ gì về chúng ta. Nếu cứ chăm chăm như vậy, chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát xúc cảm và bị phụ thuộc vào lời nói cũng như hành động của họ.
Một lời khen đúng sẽ giúp ta thăng hoa đạo đức tâm linh, một lời khen sai chỉ làm hại ta rơi vào hố sâu tội lỗi.
Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo đều xuất phát từ tình cảm. Đối với người mà mình đã có ác cảm thì dù cho họ có làm điều gì tốt, điều phải mình vẫn làm lơ, có khi không hợp ý còn đem ra phê bình chỉ trích. Đối với người mà mình đã có cảm tình đã thương rồi, dù họ có làm điều gì sai quấy cũng không phê phán, lại còn tìm cách bênh vực.
Tình cảm nó chi phối con người rất mạnh, chúng ta khen và ủng hộ ai chẳng qua người đó làm lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta chê trách ai, chẳng qua người đó làm thương tổn chúng ta, đối với người đã làm thương tổn mình chút ít, làm lợi làm tốt với mọi người, chúng ta vẫn thấy họ tốt như thường, miễn có lợi cho mình là tốt. Đó là chỗ khen theo tình cảm của con người mà đa số bị kẹt, nó không có lẽ thật.