Khi nào phá thai không được xem là tội lỗi?
(Xemsomenh.com) Phá thai theo góc nhìn Phật giáo là tội sát sinh, đó là hành động có chủ ý, vì thế dù vướng phải một trong số trường hợp bất như ý khác cũng không nên phá thai.
Nạo phá thai an toàn theo định nghĩa của WHO là phải được thực hiện bởi các cán bộ y tế có chuyên môn, có kinh nghiệm trong nạo phá thai và thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối. Thế nhưng hầu hết hiện nay chúng ta đều nạo phá thai không an toàn. Các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh là những nước có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao nhất. Theo thống kê trong năm 2017, có tới 97% số ca nạo phá thai không an toàn này là ở các châu lục này. Trong đó, Việt Nam xếp vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.
Phá thai theo góc nhìn Phật giáo:
Sát sinh là một trong những điều cấm của Phật giáo và sát sinh khi hội đủ 5 điều kiện:
- Đối tượng bị giết là một chúng sinh.
- Người đó phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
- Người đó có tác ý giết chúng sinh đó.
- Người đó phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
- Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.
Một trong những lý do khiến người ta coi nhẹ việc nạo phá thai, đó là vì họ quan niệm rằng thai nhi một vài tuần tuổi chưa phải là một con người, chỉ là một nhúm những tế bào chưa có ý thức. Phá thai theo góc nhìn Phật giáo là việc hoàn toàn tội lỗi, theo Phật giáo đời sống của một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ thai. Thụ thai là sự kết hợp giữa cha, mẹ và thần thức của một chúng sanh. Thần thức đó đi tìm sự hiện hữu để tiếp tục cuộc hành trình vô tận của sống và chết.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khẳng định như sau: “Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người”.
Theo Phật giáo chết không phải là hết, chúng ta kết thúc kiếp này để bắt đầu kiếp sống khác. Do vậy mà có luân hồi và đầu thai. Mỗi một sinh mệnh trong một kiếp sống vốn đã có một tuổi thọ nhất định. Nếu sinh mệnh ấy được sinh ra tự nhiên, thì còn có nhiều việc để làm, nhiều năm để sống.
Một chúng sinh phải tạo nghiệp thiện, tu tập hàng ngàn kiếp mới được làm người. Nếu bị tước đoạt sự sống một cách trái tự nhiên, thì sinh mệnh vất vưởng không chốn nương thân để đợi cho đến khi hết tuổi thọ tự nhiên trong một tình trạng cực kỳ thống khổ. Họ sẽ ở một nơi không phải dương gian mà cũng không phải âm giới, chịu đói, khát. Đó gọi là cô hồn dã quỷ. Càng thống khổ bao nhiêu, họ lại càng oán thù những kẻ gây ra cái chết cho mình bấy nhiêu. Những thủ phạm, ở đây là những bậc cha mẹ vô tâm và cơ sở y tế, trong lúc không biết không cảm thấy đã tạo bao nhiêu nghiệp lên thân mình. Đó là lý do dân gian đã đồn đoán không ít câu chuyện cho rằng, “linh hồn” của những đứa bé đó sẽ oán hận và đi theo người mẹ suốt đời.
Hậu quả của việc nạo phá thai
Người phụ nữ phá thai có nguy cơ cao về bệnh ung thư vú. Bên cạnh đó, những biến chứng về thể chất bao gồm thương tích, rách cổ tử cung, xuất huyết, nhiễm trùng, có thai ngoài tử cung, đau đớn khoang tử cung. Hậu quả dài hạn của việc phá thai là hiện tượng nhau mọc gần cổ tử cung, dẫn đến lần mang thai tiếp theo dễ sinh non, đứa trẻ thiếu cân, dễ chết khi sinh, bệnh hoạn cho nguời mẹ. Phá thai khi thai đã lớn (trên 21 tuần) có thể đưa đến sự tử vong của người mẹ.
Việc phá thai nơi những phụ nữ trẻ tuổi gắn liền với nguy cơ suy nhược tinh thần, lo âu, có khuynh hướng muốn tự tử, ít tự chủ… và mất đi lòng tin ở bản thân và người khác. Bên cạnh đó có một số người thường mất ngủ và có những ác mộng về đứa trẻ con bị chính mình giết hại gây hoảng loạn, sợ hãi,…
Con người không chỉ có một kiếp, người này gặp người kia để trả nợ, báo ân, báo oán và đòi nợ. Tùy theo duyên, nghiệp mà họ đi theo nhau đến cả ngàn kiếp. Việc không ít gia đình làm ăn lụi bại sau khi phá thai là điều phù hợp với luật nhân quả bởi khi sát sinh, nghiệp ác đó có thể báo ứng ngay ở hiện tại (kiếp này) hoặc tương lai (kiếp sau).
Có câu: “Không duyên nợ bất thành phụ tử”. Người ta không thể trốn nợ bằng việc sát sinh. Món nợ vẫn còn đó chưa trả xong giờ lại tăng thêm một món nợ mới. Do đó mới nói con người trong mê mà tạo nghiệp. Phá thai theo góc nhìn Phật giáo chưa bao giờ được khuyến khích trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiều người gây nghiệp ác, phá thai còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chính vì thế, khi mắc sai lầm hãy thành tâm sám hối bằng tất cả tấm lòng, không nên tìm cách bào chữa, bởi không có lý do nào được xem là hợp lý để tước đi quyền sống của một con con người.
Khi nào phá thai không được xem là tội lỗi?
Giờ đây có quá nhiều người phá thai vì không muốn vướng bận đến cuộc sống riêng. Họ quá đề cao tự do cá nhân, không muốn vướng bận vào con cái, nhưng mặt khác vẫn thoải mái quan hệ tình dục dẫn đến có thai ngoài ý muốn rồi đi phá thai bất cứ khi nào họ không muốn nuôi con. Việc này hoàn toàn sai lầm, không ai có thể dung túng cho tội lỗi này của họ.
Thế nhưng có những người không hề có ý định phá thai nhưng bị sảy nên đành phải bỏ đi. Ông bà ta có câu: “Một lần sa bằng ba lần đẻ”, hoặc “một lần sảy bằng bảy lần đẻ”. Việc sa, sảy thai là hiện tượng tự nhiên ngoài ý muốn khi cơ thể người phụ nữ không giữ lại được thai nhi. Nhưng dù vậy, nó đã tác động nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Tuy thế, họ không mắc tội sát sinh như khi chủ động phá thai.
Nếu phải quyết định phá thai do nguyên nhân khách quan, người mẹ cần quán niệm về từ bi, hướng tình thương của người mẹ đến với thai nhi và an ủi thai nhi. Cách giúp các vong nhi chết do nạo, phá thai được siêu thoát đó là hãy cảm nhận về sự kết nối thiêng liêng giữa mẹ và con, tâm sự với thai nhi về quyết định của mình, chẳng hạn:
“Mẹ biết rằng mẹ và con có nhân duyên nhiều đời nên mới gặp nhau ở đây. Tuy nhiên mẹ biết rằng khi ra đời, con sẽ đau khổ. Do đó, chúng ta cùng nhau sám hối những tội lỗi trong quá khứ để có thể gặp lại nhau trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Mẹ sẽ xin quy y Tam Bảo cho con, mong con đời đời kiếp kiếp nương tựa Tam Bảo để giải thoát những nghiệp xấu, tăng trưởng những nghiệp lành…”
Sẽ có người thắc mắc vậy phá thai vì đứa con là kết quả của việc loạn luân hoặc người mẹ bị hiếp dâm thì sao? Đó vẫn là mang tội giết người. Đứa con có thể là kết quả không mong muốn nhưng nó không có tội, do vậy nó không thể bị trừng phạt bởi tội ác của cha nó. Không nên làm một việc sai để chữa việc sai. Cho dù người mẹ phải chịu nhiều đau khổ nhưng theo luật Nhân quả việc phá thai mà xét, việc giữ lại đứa con vẫn là cách làm đúng đắn hơn để không tạo nghiệp.
Quy định của một đất nước nào đó không được có nhiều con thì sao? Họ phải áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngừa thai nhưng thực tế là không cho kết quả tuyệt đối. Pháp luật là một hình thức để quản lý xã hội. Nhưng pháp luật không phải luôn luôn là đúng, hơn nữa, ngoài luật của con người, còn có luật của trời nữa. Do vậy, nếu vẫn có thai thì nhất định cũng không thể phá, vì tội giết người là một trong những tội lớn nhất.
Nguyệt Minh