Cuộc đời Đức Phật Thích Ca: Hào quang tỏa sáng bởi Từ Bi và Trí Tuệ hơn người

Thứ 7, 9/11/2024 - 3:09

Mục lục
 
Mục lục

(Xemsomenh.com) Cuộc đời Đức Phật Thích Ca chủ yếu dành cho việc Thiền định và thuyết pháp, giáo hóa cho đệ tử và người dân vì mục đích của Ngài là lan tòa lòng từ bi để cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau, lầm lạc do sự vô minh mang lại.

Thái tử Tất Đạt Đa - con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca, chào đời năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8 tháng 4 (theo Bắc tông), tại một vương quốc nhỏ. Các tu sĩ đã tiên tri rằng Ngài sẽ trở thành một nhà hiền triết lừng danh của thế giới nên vua cha lo sợ, tìm cách giữ con sống xa hoa trong cung điện. Cho đến tuổi trưởng thành, Thái tử thành hôn với công chúa Da Du Đà La và có một con trai.

Đúng lúc đó, Ngài đã trông thấy ba cảnh tượng thông thường nhất đối với mọi người khác: một người bị bệnh, một người già yếu, và một xác chết đang được người ta đưa đi hỏa thiêu. Cuối cùng, Ngài trông thấy một tu sĩ với vẻ an nhiên của mình nên đã quyết định rời khỏi cung điện để đi tìm giải pháp cho vấn đề đau khổ của cuộc đời.

Trong đêm khuya Ngài từ giã vợ con phi ngựa đến một khu rừng, tìm các vị thầy khác nhau để học hỏi từ những vị theo chủ nghĩa duy vật, cho đến những người theo chủ nghĩa lý tưởng và phái ngụy biện. Học được nhiều nhưng Ngài chưa thấy đó là cứu cánh để giúp mọi người thoát khổ đau.

Trong sáu năm tiếp theo, Thái tử Tất Đạt Đa cùng với năm người bạn cùng tu khổ hạnh và thiền định, chỉ ăn một hạt cơm mỗi ngày. Thế nhưng, thời gian đó thể xác, và chỉ còn da bọc xương, Ngài quyết định dùng nhiều thực phẩm hơn và không áp dụng pháp tu khổ hạnh nữa, năm người bạn kia đã từ bỏ Ngài.

Khi sức khỏe phục hồi nhờ bát cháo được cúng dường, Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới cội Bồ Đề, bất động và cương quyết như một quả núi, cho đến bảy ngày sau, mở mắt ra, trông thấy sao mai vừa mọc trên bầu trời và Ngài hiểu ra rằng mình đã thành đạo.

Thái Tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ vào năm ba mươi lăm tuổi (589 BC) và trở thành một vị Phật, tức đấng giác ngộ, được tôn vinh là Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), tức là nhà hiền triết thuộc bộ tộc Thích Ca.  

1. Nhân duyên hội tụ để Đức Phật đản sanh

Có 8 nhân duyên hội tụ để Ngài đản sanh đó là: 1. Thời: Tiền thân của Đức Phật là Bồ Tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất, trước khi đản sanh, Ngài xem xét trước xem đã đủ thời phù hợp ví dụ như lúc này tà đạo có lộng hành, dân chúng có rối ren hay không.

Khi chánh Pháp không còn giá trị được lưu giữ nguyên vẹn thì Ngài đản sanh để cứu giúp muôn loài.

  

2. Châu: Ngài sẽ xem xét châu nào phù hợp và nhận thấy là Nam Thiện Bội châu có nhân duyên đầy đủ để Ngài đản sanh. 

3. Quốc: Ngài tiếp tục xem trong Nam Thiện Bội châu thì Quốc độ nào thích hợp để có thể giáo hóa và hành đạo về sau. 

4. Dòng tộc, gia tộc: Quan trọng nhất là việc chọn gia tộc vì chỉ khi sinh ra trong giai cấp cao thì Ngài mới có sức ảnh hưởng, có đủ điều kiện thuận lợi truyền dạy giáo pháp cho tất cả tầng lớp xã hội. Điều đặc biệt khó khăn hơn nữa đó là gia đình đó phải đầy đủ 60 công đức.

5. Mẹ: Ngài chọn ai sẽ là Thánh mẫu để đản sanh. Trong Kinh có nói đến việc người mẹ đó phải có đủ 32 điều kiện mới có khả năng nhận lãnh việc này. 

Mẹ của Ngài - Hoàng hậu Ma Da từng là một tiên nữ ở cung trời Đâu Suất từng có tâm nguyện rằng sẽ được tái sinh nơi cõi Người và trở thành người mẹ của một vị Phật. 

  6. Tuổi thọ chúng sinh

Bồ Tát Hộ Minh lựa chọn cả tuổi thọ chúng sinh mà mình có ý định đản sanh, đó là loài có tuổi thọ khoảng một trăm tuổi.

Thời gian đó đủ để chứng kiến được sinh - lão - bệnh - tử như thế nào nên đã cảm nhận được một vòng của cuộc đời và mọi thứ đều chuyển biến khá nhanh, bởi vậy, tuổi thọ này được xem là hợp lý để Đức Phật đản sanh. 

7. Ngày, tháng

  Bồ Tát Hộ Minh cũng đã quán xét về ngày, tháng, thời điểm khi Ngài sinh ra chính là ngày 8/4 âm lịch (Phật giáo Nam truyền thì cho rằng Đức Phật đản sinh ngày Rằm tháng tư).

8. Nơi: Ngài cũng lựa chọn nơi để xuất gia tu hành thích hợp giúp chính Pháp của mình có thể đến với thế gian. Xem chi tiết hơn ở bài viết sau:

2. Đức Phật đản sanh

Trước khi sinh Thái tử, Hoàng hậu đã nằm mơ thấy chú voi trắng đến bên mình đó là lúc Đức Phật hạ thế trong sắc tướng voi. Nhập vào bụng mẹ mình dưới hình tượng một con voi - hình ảnh mang ý nghĩa của lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật.  

Người Bà La Môn thờ voi như vật linh thiêng, vì vậy Đức Phật cũng hoá hiện trong hình tướng voi quý nêu biểu cho những điều tốt lành mang lại sự thịnh vượng và phước lành cho gia đình cũng như vận may cho vương quốc.

Theo truyền thống của dòng họ Thích Ca (Shakya) thì người mẹ sẽ về nhà mình để sinh con. Chính vì thế mà khi sắp đến ngày sinh con, hoàng hậu Ma Da đã cùng với đoàn tùy tùng lên đường trở về quê ngoại.

Trên đường, khi tới Lâm Tỳ Ni, cả đoàn gặp 1 vườn cây Vô Ưu (Sala) với những thảm hoa rực rỡ sắc màu, hoàng hậu nhìn thấy trong lòng hoan hỷ, lệnh cho cả đoàn dừng lại, bà xuống kiệu, bước vào khu vườn Sala tràn ngập sắc xuân, tay vịn 1 cành Sala và hạ sinh Thái tử. Ngài sinh vào ngày rằm tháng 4 năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8 tháng 4 (theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni, nước Ca tỳ la vệ.

3. Lời tiên đoán về cuộc đời tu hành của Ngài

Không may chỉ sau 7 ngày Thái tử đản sanh thì hoàng hậu Ma Da qua đời, kể từ đó Thái tử được người dì hiền hậu, tốt bụng Maha Pajapati Gotami (Maha Ba xà ba đề) thay mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Sự kiện Thái tử chào đời được xem là sự kiên vô cùng long trọng mà toàn dân chờ đón, họ cùng nhau kéo về kinh đô ăn mừng. Trong đó có vị đạo sư Asita (A Tư Đà) đang tu hành trên núi Himalaya cũng xuống núi để chúc mừng.

Đạo sĩ xem tướng và tiết lộ rằng Thái Tử sau này sẽ thành bậc tu hành mà người người kính ngưỡng. Thế nhưng vua Tịnh Phạm không vui với điều này, ông muốn con trai phải được nuôi dạy kỹ lượng để trở thành người văn võ song toàn, sau này cai trị đất nước. Do không muốn con mình trở thành người tu hành, vua cha đã sắp đặt con đường để hoàng tử nối ngôi trị vì vương quốc như một vị minh quân. Ông tách hoàng tử cách xa bất cứ điều gì có thể gợi đến cảm hứng tu hành. Vua Tịnh Phạm cho canh gác cung điện nghiêm ngặt và cấm sử dụng từ “chết” hoặc “khổ” trong cung, để không tạo cho hoàng tử một khái niệm nào về sự đau khổ cõi trần thế.

Sau đó vua cha còn sắp xếp cho con trai thành hôn với công chúa nước láng giềng là Da Du Đà La vào năm 16 tuổi để không còn nghĩ tới chuyện đi tu.   

4. Đức Phật rời gia đình tìm đạo

Mặc dù bị cách ly nghiêm ngặt khỏi mọi điều có thể mang tới cảm hứng tu hành, thế nhưng Thái tử vẫn ước mong khám phá thế giới trần tục bên ngoài cung cấm. Ngăn cản con mãi không được nên nhà vua đành chấp thuận và chuẩn bị lộ trình hoàng tử đi qua sẽ là nơi hạnh phúc, giàu có và đẹp đẽ.

Thế nhưng chuyến đi cùng với người đánh xe ngựa Sa Nặc đã giúp cho Tất Đạt Đa khám phá ra nhiều điều bí ẩn. Thái tử vô tình nhìn thấy khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn của một ông lão. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên trong dự báo của các nhà tiên tri: dấu hiệu của Lão. 

Rồi Ngài lại nhìn thấy một người đàn ông bị bệnh và đang ho, đó là dấu hiệu thứ 2 mà các nhà tiên tri đã nói: Bệnh. Cuối cùng, hoàng tử bắt gặp một đám tang ở bờ sông và một nhà tu hành khổ hạnh và đó là: Tử.  Sau đó sự an lạc từ bi trên gương mặt của nhà sư đã gây ấn tượng mạnh cho Tất Đạt Đa. Người hỏi Sa Nặc ý nghĩa của tất cả những thứ này và được giải thích về hiện thực của cuộc sống.

Trở lại cung điện, Tất Đạt Đa đã xin phép vua cha cho rời cung điện và trở thành một nhà sư khất thực để tìm kiếm chân lý cuộc đời.

Đúng lúc này, vợ của Ngài - công chúa Da Du Đà La đã sinh hạ con trai được đặt tên là La Hầu La (Rahula), nghĩa là “sự ràng buộc.”

Thế nhưng, niềm vui con trai chào đời khá chóng vánh, Tất Đạt Đa đã quyết tâm đi tìm câu trả lời cho cuộc đời của con người khi thấy cuộc sống nhung lụa vô nghĩa ở hiện tại. Hoàng tử đã thức dậy trong đêm, nhìn vợ con lần cuối, rồi lên ngựa, và phóng đi. Tất Đạt Đa bỏ lại vợ đẹp con ngoan ở lại trong cung, vai trò là một người vợ, quả là khó khăn cho Da Du Đà La khi phải một mình chăm con khôn lớn và không ngừng nhớ thương chồng mình.

  Xem thêm để biết về đức hi sinh của vợ Đức Phật khi Ngài ra đi tìm Đạo:

5. Hành trình đầy gian khổ của Tất Đạt Đa

Quyết tâm tìm ra con đường giải thoát, rời cung điện và từ bỏ mọi thú vui trần tục, Ngài hướng về phía Đông vượt thành, vượt dòng sông A Nô Ma, tự cạo bỏ mái tóc dày và giao lại chiếc áo choàng cho Sa Nặc.

Thái tử đã đến khu rừng nơi có các đạo sĩ đang ngày đêm tu tập và học hỏi theo 2 đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ, đó là Alara Kalama (Ngài A La La) và Uddaka Ramaputta (Ngài Uất Đầu Lam Phất). Cả 2 đều tu theo phép Du già, đạt tới những cấp thiền định cao nhất, thuộc Vô sắc giới.

Với tư chất thông minh, Thái tử chẳng mấy chốc đã đạt được cấp thiền như họ và được mời ở lại lãnh đạo chúng đệ tử, song Ngài biết con đường tìm ra chân tu chưa dừng lại ở đó khi nhận ra rằng những giáo lý này sẽ không thể chấm dứt được khổ đau của ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới.  

Tất Đạt Đa tiếp tục cuộc hành trình cho tới khi đến dòng sông Ni Liên Thuyền, gần thành phố linh thiêng Ca Da và gặp nhóm năm đạo sĩ đang tu tập khổ hạnh: sống ngoài trời, ngồi yên tĩnh thiền định nhiều giờ và ăn ít.  

Thái tử nghĩ lại bản thân đã sống một đời sung sướng, nuông chiều bản thân ở cung điện nhưng không tìm thấy sự an lạc nên cứ tham dự cùng với họ thực hành để thử xem phương pháp này sẽ ra sao.

Rồi Tất Đạt Đa bắt đầu thực tập những phương cách tu hành này bằng việc ngồi liên tục nhiều giờ bất kể thân thể đau đớn, chân và lưng mỏi, tê cứng, tự thiêu đốt thân mình dưới ánh nắng hè cháy bỏng và làm tê cóng da thịt bởi những làn gió đông lạnh buốt.

Nhưng có thời điểm, Ngài chợt thầm nghĩ: “Nay ta có tiến gần chút nào đến mục đích tầm đạo giải thoát của ta hơn sáu năm trước chăng? Hay ta vẫn đang còn mê mờ như xưa?"

Ngài đã ngồi đây tu tập nhịn ăn trong nhiều năm hiện giờ thân mệt mỏi, đầy dơ bẩn và suy yếu tới nỗi chỉ còn da bọc xương. Làm sao có thể thiền định sáng suốt, quán sát sự vật khi thân mình dơ nhớp và quá đói khát.  

Sau 6 năm, Ngài đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không mang lại lợi ích gì cụ thể mà chỉ làm giảm suy trí thức, mệt mỏi tinh thần, với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt thậm chí khiến Ngài suýt chết và nhờ bát cháo cúng dường mới nhanh chóng hồi phục lại sinh lực. Từ đó Ngài quyết tâm từ bỏ lối tu khổ hạnh và ăn lại hoa quả, uống nước trở lại.

Có thể thấy, dù 6 năm đó là sai lầm nhưng không hẳn là phí hoài, thời gian đó giúp Ngài hiểu hơn giá trị của Thiền cũng như nhờ đó mà tìm ra con đường riêng cho mình để có thể giúp được chúng sinh.

6. Đức Phật giác ngộ dưới gốc bồ đề

Một mình lặng lẽ Đức Phật ngồi Thiền dưới gốc bồ đề cho đến khi thành đạo. Ma vương sợ Ngài thành đạo mà giác ngộ muôn loài sẽ đảo lộn mọi thứ nên rủ nhau quấy phá song do định tâm chuyên chú mà Ngài chiến thắng được mọi cám dỗ.  Đến đêm mùng 8 tháng Chạp, Ngài lần lượt chứng quả Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh, cuối cùng chứng đẳng đạo Vô Thượng và thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.  

Khi thành đạo, Đức Phật đã phải đấu tranh tâm lý rất nhiều trong việc ra quyết định rằng có nên truyền đạo, hướng dẫn cho mọi người về những gì mình đã biết, đã thấy, hay giữ chỉ cho riêng mình mà thôi.

Việc Người giữ hết những hiểu biết mới mẻ này cho mình không phải vì ích kỷ mà Ngài chỉ sợ những thông tin này không được người đời chấp nhận.

  

Đức Phật bác bỏ quan điểm cố hữu của người dân đang quá xem trọng dòng dõi và giai cấp của Bà La Môn và xem thường người dân bình thường. Họ cho rằng chỉ có người do giai cấp Bà La Môn sinh ra mới có thể thành đạo. Trong khi đó, Ngài cho rằng đó là do tu tập và sự phấn đấu của bản thân của mọi con người, không phân biệt họ là ai. 

Nhận thấy những luồng tư duy mới của mình không dễ dàng xâm nhập vào đời sống của người dân nên Đức Phật đành chọn cách im lặng trong 7 tuần đễ suy ngẫm. Ngài nghĩ rằng không giảng pháp cho bất kỳ ai, chỉ an trụ trong thiền định. Thế nhưng quyết định của Ngài cũng dần thay đổi sau 49 ngày suy tính.

7. Truyền rộng Phật Pháp, từ bi cứu độ chúng sinh 

Sau khi thành đạo, Đức Phật bắt đầu thuyết pháp và giáo hóa cho 5 người đầu tiên đó là những người từng là bạn đồng tu khổ hạnh cùng Ngài. Mặc dù những đệ tử đầu tiên mỉa mai Đức Phật nhưng Ngài không nghĩ quá nhiều tới vấn đề đó vì hơn ai hết, Đức Thế Tôn biết rằng các triết gia và các tu sĩ thời này có niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có tu khổ hạnh là nếp sống tối cần thiết để đạt đến cứu cánh. 

Từ đó, trong hơn 49 năm, Ngài đã độ cho hàng ngàn hàng vạn đệ tử, không phân biệt sang hèn. Thời gian ấy, Đức Phật vẫn duy trì lịch sinh hoạt vô cùng khoa học, mỗi ngày của Đức Phật được chia thành 5 phần: 

1. Buổi sáng (từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa)

Đức Phật thức dậy lúc 4 giờ sáng, tắm rửa xong, ngài ngồi thiền trong một giờ đồng hồ.

Trước khi xuất định từ lúc 5 giờ sáng đến 6 giờ sáng, ngài nhìn quanh thế giới bằng Phật nhãn (con mắt trí tuệ của ngài), để biết hôm nay ai là người hữu duyên cần giúp đỡ. Biết rồi, Phật sẽ đi bộ đến. Sau đó, Ngài lặng lẽ ôm bát qua từng con hẻm đi khất thực. Đôi khi Đức Phật đi khất thực cùng với các môn đệ rồi trở về chùa.

2. Buổi trưa, chiều (từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều)

Buổi trưa Phật dùng cơm trước giờ ngọ, rồi thuyết một bài pháp ngắn, cùng quý thầy bày tỏ lòng nhớ ơn đàn tín. Sau thời Pháp, Đức Phật ban lễ quy y Tam Bảo. Các nhà sư thường đến gặp Đức Phật để đặt câu hỏi, rồi họ được Ngài giảng dạy và tư vấn. 

Sau khi giảng dạy hoặc kêu gọi chư vị đệ tử, Đức Phật trở về phòng, Ngài nằm nghiêng mình bên mặt và định thần một lát.

Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định (Maha Karuna Samapatti) và dùng Phật nhãn quan sát thế gian, nhất là các vị tỳ kheo đã đi vào rừng sâu hành thiền nơi vắng vẻ và các vị đệ tử khác ở xa, để hướng dẫn, nhưng nếu một vị ở xa cần được hỗ trợ, Ngài dùng thần thông bay đến nơi để tế độ rồi trở về tịnh thất. 

3. Buổi tối 

+ Canh đầu (từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm):

Phật Tử sẽ trở lại gặp Đức Phật, hoặc là để lắng nghe Ngài thuyết pháp, hoặc là họ đặt các câu hỏi để làm sáng tỏ những gì họ nghi ngờ.

Quý thầy tự do thưa hỏi những hoài nghi trong lòng hay tham thỉnh đề mục thiền định. 

+ Canh giữa (từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng):

Trong thời gian này, mắt người thế gian không thể thấy được các chư Thiên từ các cõi trời đến hầu Phật. Họ đến hỏi giáo pháp, học hỏi về chân lý của cuộc đời. Đức Phật khi trả lời xong các câu hỏi của họ, thì canh giờ này cũng thường chấm dứt.

+ Canh cuối (từ 2 giờ sáng đến 4 giờ sáng):

Canh này được chia làm bốn giai đoạn. 

- Từ 2 đến 3 giờ Ðức Phật đi kinh hành. Đức Phật sẽ đi thiền hành, để thân thể được thư giãn vì Ngài đã ngồi cả ngày.

- Từ 3 đến 4 giờ Ngài nằm nghiêng bên phải, theo thế kiết tường mà nghỉ. 

- Từ 4 đến 5 giờ Phật nhập Ðại bi định, rải tâm từ khắp nơi làm êm dịu tâm trí cho tất cả chúng sanh.

- Từ 5 đến 6 giờ Ngài quan sát thế gian bằng Phật nhãn, xem hôm nay có thể tế độ ai. Rồi mở lòng bi mẫn vì tất cả chúng sanh, từ trong chánh định an lành đến với muôn loài.

4. Buổi khuya

Chư Tăng tọa thiền Phật cũng tọa thiền, chư Tăng xả thiền Phật cũng xả thiền. Chư Tăng làm gì Phật làm thế. Chư Tăng ở đâu Phật ở đó.

8. Đức Phật quay về nhà gặp lại vua cha và vợ con

Khi vua Tịnh Phạn biết được rằng con trai đã trở thành một vị Phật, ông đã cho mời Thích Ca Mâu Ni vào cung và quở trách việc đi xin ăn trong khi ông giàu đến nỗi có thể nuôi hàng nghìn tín đồ. Thích Ca Mâu Ni giải thích cho cha rằng đó là một yêu cầu cần thiết của một Phật tử mà thôi.   

Về thăm phụ vương, Phật cũng có một thời pháp cho hoàng tộc. Khi ấy, vợ của Ngài - Da Du Ðà La vẫn thầm giận Như Lai đã bỏ mẹ con nàng đi tu. 

Do đó, nàng không ra diện kiến Phật, chỉ lấp ló bên trong nghe Ngài giảng về các sự trói buộc ở thế gian, trong đó ân ái là cái nguy hại nhất. Da Du tự nghĩ Phật nhắc nhở với riêng nàng. Ðiều này cho thấy Như Lai vẫn còn tưởng nhớ tới mẹ con nàng. 

Vì thế nàng vơi bớt giận hờn và bắt đầu chịu nghe Phật thuyết pháp. Về sau, nàng là một trong những vị công nương dự vào hàng Thánh đệ tử Ni tối thắng của Như Lai.   

Trong thời gian này, người em trai cùng cha khác mẹ A Nan Đà (Ananda) của Thích Ca Mâu Ni, người sẽ được phong làm hoàng thái tử và có đính ước với công chúa Tôn Đà Lị (Sundari), cũng quyết định bước chân vào con đường tu luyện và trở thành đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni. Sau đó, con trai của Thích Ca Mâu Ni là La Hầu La và mẹ kế của Ngài cũng đã trở thành đồ đệ của Đức Phật.  

9. Cháo nấm độc - Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật

Đức Phật vốn đã có điềm báo trước về cái chết của mình. Ngài cũng từng nói rõ với các môn đồ rằng 3 tháng nữa, mình sẽ có cơ duyên hóa đạo, chính là vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Thậm chí, Ngài còn tự tìm nơi cho mình nhập Niết bàn, chính là rừng Sala thuộc thành Câu Thi Na. 

Thời gian đó, Thuần Đà là 1 người thợ rèn sống gần rừng Sala rất ngưỡng mộ Phật nên đã tự tay vào rừng hái nấm để nấu canh, tự tay dâng lên cúng dường Đức Phật.

Cuộc đời Đức Phật Thích Ca có thể khép lại từ sau bát canh ấy nhưng Ngài không vì thế mà sợ hãi, vẫn ăn canh và lệnh cho tôn giả A Nan không được cho bất cứ ai dùng mà lập tức đem chôn.

Người thợ rèn chất phác nghe thế trong lòng kinh hãi vô cùng, nhưng Phật gọi Thuần Đà đến răn dạy, dặn người thợ rèn chớ nên than khóc hay hối hận vì việc làm của mình bởi đó vốn không phải việc gì sai trái.

  Thuần Đà không hề biết trong số nấm mình hái có nấm độc, vì thế việc dâng cúng lên Phật chỉ là vô tình, tâm thiện và rất mực chí thành, người không biết thì không có tội, người có tâm thì sẽ nhận được phước báo lớn.  

Sau khi uống canh, sức khỏe của Đức Phật suy giảm nhanh chóng. Ngài không thể tự đi mà cần chư tăng dìu đỡ, mau chóng đến rừng Sala để kịp ngày nhập diệt như đã định. 

Có người cho rằng chính vì bát canh nấm độc của Thuần Đà dâng lên mà Phật mới sớm nhập Niết bàn. Kỳ thực không phải, việc Phật nhập diệt đã có điềm báo từ trước, kể cả không có bát canh nấm kia thì Phật cũng sẽ nhập Niết bàn.  Xem chi tiết thêm ở bài viết sau:

10. Đức Phật nhập cõi Niết bàn

Theo Kinh Phật chép lại, sau hơn 49 năm đi khắp nơi truyền đạo, hoằng hóa cho chúng sinh, Đức Phật nhận thấy Đạo nay đã viên mãn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca đã thực sự ý nghĩa, bản thân cũng không còn gì luyến tiếc. 

Trong vòng 3 tháng trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật vẫn không ngừng truyền đạo, sau khi dặn dò cặn kẽ chư tăng môn đồ về con đường phía trước cần làm, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. 

Theo kinh sách ghi chép lại thì Phật nhập Niết bàn vào ngày rằm tháng 2 âm lịch năm 544 TCN.

Ngay lúc Phật nhập diệt, mặt đất dường như rung chuyển, trời đất u ám, cỏ hoa héo úa, chim chóc muông thú im hơi bặt tiếng, vạn vật xung quanh không có tiếng động, chìm trong sự im lặng đau thương của giờ phút chia ly. 

Rừng hoa Sala đổ xuống phủ lấy thân Ngài, còn Chư Thiên Trời Đao Lợi thì ở giữa hư không rải hoa như tuyết rơi, cúng dường ngày Đức Như Lai nhập diệt. 

Các đệ tử lại đem xác thân của Ngài tẩm liệm, đặt vào kim quan. Bảy ngày sau, kim quan Đức Phật được đưa vào chùa Thiện Quang ở thành Câu Thị làm lễ trà tỳ, tức lễ hỏa thiêu. Trà tỳ xong, quốc vương 8 nước cùng phân chia xá lợi Phật và xây tháp cúng dường.