Nếu chăm chỉ làm ăn mà mãi chưa giàu có thể vì lý do này
(Xemsomenh.com) Nhiều việc chúng ta tưởng như mình đã làm tốt nhưng không phải thế, phóng sinh xuất phát từ tâm là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Chúng ta thấy được ngày nay phong trào phóng sanh rất được phổ biến, vì người ta tin rằng Phóng sinh là thiện hạnh cao nhất, phúc báo đời đời, nghiệp lành khai nở. Hầu như ở bất cứ đạo tràng nào mỗi tháng cũng đều tổ chức phóng sanh vài lần cho Phật tử tham gia. Đây là cơ hội rất tốt để mọi người nuôi dưỡng tâm từ bi ái hộ tất cả chúng sanh của mình.
Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình". Tuy nhiên, nếu chỉ phóng sanh trên hình thức, làm cho có theo phong trào "Ai sao tôi vậy", một mặt phóng sanh, một mặt vẫn vì sự ngon miệng của chính mình mà ra sức giết hại các loài tôm cá, sò ốc, gà vịt... hay khi quét dọn nhà cửa, chỉ vì sự sạch sẽ nhà cửa của mình mà ra sức giết hại các loài trùng kiến không thương tiếc, thì sự phóng sanh đó cũng là vô dụng mà thôi. Vì sao? Vì chỉ có hình thức mà không có tâm, cái tâm lượng quá nhỏ hẹp.
Du Tịnh Ý mãi không giàu nổi là vì đâu?
Trong chuyện Du Tịnh Ý Công Gặp Táo Thần, chúng ta thấy được, Du Tịnh Ý là người có học, ông luôn cho rằng mình không thua gì Thánh Hiền, luôn làm việc tốt, giúp đỡ mọi người, nói lời từ ái, luôn yêu tiếc sanh mạng chúng sanh mà hành thiện phóng sanh thả cá. Nhưng cuộc đời ông lại luôn nghèo nàn lận đận, ông có cả thẩy 9 đứa con nhưng chết hết 7 đứa còn 2, trong 2 đứa này thì 1 đứa bị lạc mất từ nhỏ vẫn chưa tìm lại được, chỉ giữ lại được 1 đứa con gái duy nhất bên mình lại bị bệnh thiểu năng, ông tham gia thi cử 7 khoa đều rớt hết 7 khoa. Cho nên ông trách ông Trời không công bằng với ông, trách Táo Thần bao năm qua nhận của ông biết bao nhiêu mâm cơm mà chẳng phù hộ cho ông. Đêm đó, Táo Thần quả nhiên là đến gõ cửa nhà ông và từ bi nói với ông:
"Mỗi tháng ngươi phóng sanh trong miếu, đó không phải là tự tâm muốn ái hộ chúng sanh mà làm, là do người khác đưa ra bảo làm thì ngươi làm theo, còn nếu họ không nói thì ngươi cũng không tự động làm. Cho nên, trong lòng ngươi xưa nay chưa từng có ý niệm từ bi chân chánh. Dù có đi nữa, cũng không có làm triệt để, chỉ là hư danh mà thôi, làm để khoe người. Ngươi có nhìn qua nhà bếp của mình chưa? Có bao nhiêu loài tôm cua, ngoài việc ăn ra, số còn lại ngươi mặc tình phung phí. Ngươi lạm dụng bắt giết loài thủy tộc, và từ lâu đã trở thành tàn bạo".
Những lời Táo Thần nói với ông rất đáng để cảnh tỉnh chúng ta, sai lầm của ông cũng chính là điều mà chúng ta đang mắc phải hiện nay. Lỗi của chúng ta mắc phải, thật sự chính chúng ta cũng không hay biết, tưởng rằng những gì chúng ta nghĩ, chúng ta nói, chúng ta làm đều đúng. Vấn đề này thật sự hết sức là nghiêm trọng, trong Phật pháp gọi là mê hoặc điên đảo.
Du Tịnh Ý sau khi nghe những lời của Táo thần điểm hoá, chợt hiểu ra, quyết tâm tu sửa lại chính mình, nên sau đó vận mạng của ông thật sự thay đổi ngày một tốt hơn, ông thi đậu tiến sĩ ra làm quan, đứa con bị thất lạc cũng tìm lại được, kinh tế ngày càng khá lên.
Phóng sinh xuất phát từ tâm
Có những khi, chúng ta không hề phóng sinh xuất phát từ tâm. Có những người đi phóng sinh chỉ vì biết là như thế sẽ có lợi cho bản thân mình nên mới đi, không xuất phát từ lòng thương xót. Khi việc phóng sanh len lỏi sự vụ lợi, mong cầu và mê tín bên trong. Nếu phóng sanh không đúng cách chúng ta sẽ không nhận được phước báu trọn vẹn của hành động thiện lành này và còn hơn thế nữa sẽ vô tình gây ra nghiệp sát. Hơn nữa, đối với người đời nay, tại sao sửa lỗi lại khó khăn đến vậy? Bởi vì họ không tin, tự cho mình là đầu óc khoa học, bất cứ điều gì cũng phải diễn giải bằng khoa học thì họ mới chịu, cái gì không thuộc khoa học họ đều cho là mê tín, đây chính là trở ngại lớn nhất của người thời nay.
Chúng ta phải biết rằng, phóng sanh có nghĩa là giải phóng tất cả chúng sanh thoát khỏi nguy cơ bị giết hại, trả chúng trở về môi trường sinh sống tự do của chúng. Do đó, nếu chúng ta thực hành hạnh phóng sanh thì cần phải phát cho được cái tâm yêu tiếc sanh mạng của tất cả chúng sanh. Chẳng những phóng sanh thả cá, thả chim, mà trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mình cũng phải lưu ý:
Không vì sự ngon miệng của mình mà mặc sức giết hại. Khi ăn chỉ nên ăn Tam Tịnh Nhục mà thôi. Thế nào là Tam Tịnh Nhục?
1. Mình không thấy con vật đó bị giết.
2. Mình không nghe tiếng kêu gào của nó khi bị giết.
3. Con vật đó không vì mình mà bị giết.
Khi làm vệ sinh nhà cửa, đối với những loài trùng kiến, ta có thể dùng chổi quét chúng vào đồ hốt rác, rồi đem ra ngoài đổ nhẹ xuống để chúng tự bò đi chổ khác. Với cách làm này chẳng những nhà cửa của ta được sạch sẽ, mà bản thân ta còn được phước đã phóng sanh, lại giảm đi cơ hội giết chóc, nuôi dưỡng được lòng từ bi của mình.
Đối với người tu học Phật pháp, thì việc nuôi dưỡng tâm từ bi rất quan trọng. Vì đạo Phật là đạo của từ bi, luôn lấy từ bi làm gốc, là chất liệu tạo ra 1 vị Phật tương lai. Do đó, nếu có thể thường nuôi dưỡng cái tâm thiện lành vì tất cả chúng sanh mà ra sức ái hộ phóng sanh trong mọi hoàn cảnh, thì Phật đạo nhất định có ngày thành tựu, phước báo nhận được vô cùng lớn nhưng phải cẩn thận kẻo thả cá phóng sinh không đúng cách là tạo thêm nghiệp.
Lợi ích của phóng sinh xuất phát từ tâm
Phóng sanh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, chứ đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng tăm. Tâm từ bi mà không khởi sanh thì còn nói gì đến chuyện trưởng dưỡng. Khi đó, phóng sanh có mười công đức như sau:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát;
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh;
3. Tránh được thiên tai, dịch họa không gặp các tai nạn;
4. Con cháu đông đúc, đời đời hưng thạnh nối dõi không ngừng;
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện;
6. Công việc làm ăn phát triển hưng thạnh gặp nhiều thuận lợi;
7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ;
8. Giải trừ oán hận, các đều ác tiêu diệt, không có lo buồn sầu não;
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn;
10. Tái sanh về cõi trời hưởng phước vô cùng, nếu có tu Tịnh Độ thì được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Kathy