Bất hiếu - Ác nghiệp phải chịu quả báo lớn nhất
(Xemsomenh.com) Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp nhưng tội bất hiếu là nguyên nhân rõ ràng và dễ thấy nhất nhưng không ít người phạm phải trong cuộc sống hiện đại khi những giá trị đạo đức đã bị phần nào mai một đi.
Bất hiếu đều không nằm ngoài phạm vi nhân quả và đặc biệt là tội lớn. Kinh Báo ân cha mẹ dạy rằng: “Công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên thì tội lỗi bất hiếu cũng vô biên vô lượng”.
Theo lời Phật dạy về chữ Hiếu, tiêu chuẩn đối với một người con có hiếu là phải đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng.
Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Còn đối với những người ngược đãi cha mẹ sẽ chịu quả báo, phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng mất hết, kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau. Đức Phật dạy, người con biết hiếu thảo chẳng những đáp đền được công ơn cha mẹ mà còn tạo được nhiều phước báo cho mình nhờ những việc làm hiếu thảo đối với cha mẹ. Đức Phật khen ngợi người con hiếu thảo như sau: Người nào biết hiếu thảo với cha mẹ, người đó xứng đáng được cúng dường, được tôn kính ngang bằng với trời Phạm Thiên, được xem như các bậc Đạo sư ở đời.
4 nguyên nhân tạo thành tiểu bất hiếu:
Cha mẹ đối với con cái thường yêu thương vô điều kiện, và từ nhỏ đến lớn đứa con đã là người chuyên nhận còn bố mẹ là người chuyên cho, chỉ có đi mà không có lại. Chính từ đó là nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp do vong ân với cha mẹ.
1. Kiêu ngạo
Vì quá yêu thương con nên cha mẹ thường có xu hướng quá nuông chiều khiến con cái thường làm tổn thương cha mẹ vì sự vô tâm của mình. Con không thường xuyên hỏi han tình hình cha mẹ, không cần biết bố mẹ suy nghĩ gì mà chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn.
2. Vô tâm
Vì quen được bố mẹ quan tâm và không phải quan tâm ngược lại bao giờ nên dần dần đứa trẻ trở nên ngang bướng, thậm chí có những lời nói, hành vi không tuân theo những gì cha mẹ dạy bảo. Lâu dần, chúng dường như không xem sự tồn tại của bố mẹ là đáng lưu tâm, thích đi đâu làm gì cũng không phải xin phép, hỏi han.
3. Lêu lổng
Chỉ để thỏa mãn thú vui bản thân nên chỉ thích theo bạn bè đàn đúm, vui chơi, không thích cùng người thân gặp mặt, cũng không thăm nom, coi sóc ai một ngày, thậm chí bố mẹ ốm cũng mải chơi, không để ý, không hay biết.
4. Vong ơn
Bố mẹ có công sinh thành, giáo dưỡng, chúng ta là những đứa trẻ không tự nhiên mà lớn lên vì thế, sống phải có trước có sau. Đừng xem việc bố mẹ nuối nấng mình là việc đương nhiên, phải làm mà từ đó sinh ra tính xem thường. Chính thái độ xem thường đáng sinh thành đó là nguyên nhân dẫn tới ác nghiệp mà bạn sẽ phải chịu.
Tiểu bất hiếu lâu ngày tích thành đại bất hiếu, có 3 nguyên nhân sau:
1. Giàu có
Giàu có tham lam, cho rằng bố mẹ không có công cán gì ở đây vì chỉ do bản thân mình làm nên hoặc vì tiền bạc mà muốn gây sự, chiếm đoạt của cải của bố mẹ. Không phụng dưỡng cha mẹ lại còn muốn tranh cướp hoặc khư khư giữ tài sản cho riêng mình. Điều này sinh ra lòng oán giận của bố mẹ và đó chính là đại bất hiếu.
2. Phóng đãng
Sử dụng tiền của bố mẹ làm những việc khiến họ đau lòng, lúc về già lại không muốn chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ. Thậm chí, tuổi già sức yếu họ vẫn phải làm việc kiếm tiền chăm lo cho con, lòng đau như cắt vì người con đạo đức xấu, tu dưỡng kém. Thậm chí còn phải theo gót lo lắng, giải quyết hậu quả việc xấu của con.
3. Tranh đoạt
Gia đình bất hòa, nhộn nhạo vì anh em chỉ lo tranh giành tiền bạc, tài sản. Đó là nguyên nhân cha mẹ héo mòn vì lo lắng muộn phiền vì thấy các con không ai nên người, không có cuộc sống ổn định chỉ lo đấu đá, làm hại, tranh giành lẫn nhau.
Sám hối giải nghiệp do tội bất hiếu
Hiếu thảo với cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và của tất cả những người con Phật. Ngoài việc phụng dưỡng thì kính trọng cha mẹ là một trong những biểu hiện cơ bản của sự hiếu thảo.
Mặc dù không ai cố ý bất hiếu với cha mẹ cả nhưng do nhiều nhân duyên tác động như nhận thức, quan niệm, hoàn cảnh… của cuộc sống xô đẩy chúng ta đến những hành động sai lầm, gây thương tổn cho cha mẹ và cả chính bản thân mình.
2 điều Phật dạy cách hiếu thảo với mẹ cha tưởng dễ mà khó. Đối với những đấng sanh thành, trong chừng mực nào đó, có thể xem như trời đất vốn bất khả xâm phạm. Dẫu rằng không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng hoàn toàn đúng song trong hoàn cảnh đó phải xử sự như thế nào, chuyển hóa cách sao để giải quyết được vấn đề mà không ảnh hưởng đến đạo làm con là điều cần cân nhắc, suy ngẫm?
Chính những trải nghiệm của đời sống đã cho chúng ta tuệ giác để nhìn lại chính mình. Nhận ra sự bất hiếu là mấu chốt quan trọng để giúp bạn tháo gỡ những mâu thuẫn với cha mẹ đồng thời tìm cách khắc phục, sám hối tội lỗi.
Tuy nhiên, trừ tội ngũ nghịch (giết cha mẹ) phải đọa Vô gián địa ngục, còn các tội bất hiếu khác đều có thể sám hối.
Để sám hối, trước hết, bạn phải trở về bên cha mẹ, bộc bạch, tỏ bày hết tất cả những tâm sự của lòng mình bằng một niềm ăn năn chân thành. Những lời xin lỗi, cầu mong cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm đã qua của bạn dù muộn nhưng có tác dụng vô cùng to lớn cho việc tháo gỡ, trị liệu và chữa lành những niềm đau. Năm tháng trôi qua là khoảng lặng cần thiết cho mỗi người tự chiêm nghiệm.
Kế đến phải thực tập niệm ân, quán chiếu thật sâu sắc để thấy rõ thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ to lớn không thể sánh với bất cứ điều gì khác ở trên đời. Nhờ niệm ân mà tình cảm của bạn đối với cha mẹ ngoài thương kính còn được thăng hoa trở thành thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Khi bạn đã xác quyết được điều ấy rồi thì chí hiếu là phẩm chất đạo đức vốn dĩ của bạn. Từ đây, bạn không còn lo lắng gì về những nông nổi có thể dẫn đến sự thất lễ đối với các đấng sanh thành nữa.
Quan trọng nhất là thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ bằng những việc làm thiết thực mà bạn có thể làm. Từ việc thăm hỏi, phụng dưỡng, kính trọng, vâng lời cha mẹ cho đến tự hoàn thiện bản thân đều là những việc làm hiếu thảo.
Làm được những điều ấy với tâm thành là cách ăn năn, sám hối thiết thực nhất. Với tâm nguyện hối lỗi và phát nguyện sống hiếu thảo để phần nào giảm thiểu nghiệp lực, khiến cho phước đức tăng trưởng đồng thời làm nền tảng cho sự hiếu thảo của bạn ngày càng vững chắc và thăng hoa. Kate Nguyễn