Muốn người khác nhất nhất nghe theo, đừng bỏ lỡ bài viết này

Thứ 7, 9/11/2024 - 0:55

Mục lục
 
Mục lục

(Xemsomenh.com) Cách cảm hóa lòng người từ Đạo Phật rất đáng để chúng ta học hỏi vì chúng ta sẽ chẳng cần mắng chửi, ép buộc hay phải quá lao tâm khổ tứ để điều khiển người khác mà chỉ là đơn giản điều chỉnh chính mình.

Câu chuyện về vị tôn giả cảm hóa đạo tặc

Thời Đức Phật, có tên cướp nổi tiếng tên Angulimāla gặp ai giết nấy, vô cùng tàn sát, khiến cho dân làng rất lo sợ. Một hôm khi đang trên đường quay về nhà, Ngài tình cờ gặp tên cướp Angulimāla. 

Thấy Đức Phật đang đi một mình, tên cướp mừng lắm vì việc giết Ngài rất thuận lợi, hắn lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, đi theo sau lưng Đức Phật.

 

Thế nhưng Đức Phật dùng thần thông khiến cho tên cướp đi nhanh tới đâu cũng không có thể bắt kịp dù nhìn qua có thể thấy Ngài đang đi với nhịp độ bình thường. Tên cướp nghĩ thầm: “Ta từng đuổi kịp con voi, con ngựa, con nai và cả chiếc xe đang chạy, vậy mà giờ không thể đuổi theo kịp Sa-môn Cồ Đàm đang đi bình thường”. Tên cướp quát: “Hãy dừng lại, Sa-môn! Hãy dừng lại, Sa-môn!”. Đức Phật khoan thai đáp: “Ta đã dừng rồi, này Angulimāla! Và ngươi hãy dừng lại!”. Tên cướp nghĩ Sa-môn Cồ Đàm không bao giờ nói dối, vậy lời nói này có ý nghĩa gì. Hắn hỏi: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi dừng, thì ông nói ‘sao tôi không dừng’ nghĩa là sao?”. Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sanh, ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.

 

Nghe những lời này, hắn đứng lặng yên, trầm tư suy nghĩ. Dường như những lời nói nhẹ nhàng này đã đánh động tâm thức tên cướp bạo tàn, nên tên cướp hạ giọng và từ tốn thưa: “Thưa Ngài, tội lỗi của tôi thật tày trời. Tôi có thể quay đầu bằng cách nào?”. Thấy Angulimāla đã chuyển tâm ý, ray rứt với việc làm của mình, Đức Phật cho biết Ngài nhận hắn vào Tăng đoàn để có thể làm mới cuộc đời, từ bỏ các việc tội ác, gột rửa tâm ý trong sạch, dốc lòng thực hành điều lành. Tên cướp đồng ý đi theo Ngài, từ đó, tên sát nhân khét tiếng thành Savatthi đã trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật. Tôn giả Angulimāla tinh tấn thực hành Pháp (Dhamma) dưới sự hướng dẫn của Đức Phật và chúng Tăng, và chẳng bao lâu, chứng đạt trạng thái giải thoát hoàn toàn.

 

Bài học: Khi Phật tính vừa xuất hiện sẽ làm chấn động mười phương thế giới, so với vàng còn sáng hơn. Vì thế, chẳng cần phải những lời trách móc, lên án, những thái độ khinh bỉ hay loại trừ chỉ tạo nên nguy cơ làm cho những con người tội lỗi lún sâu vào con đường lầm lạc mà muốn cảm hóa ai đó ta phải dùng lòng từ bi.

 

Có thể thấy chính thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương sẽ tạo nên sức cảm hoá diệu kỳ. Đó là nghệ thuật cảm hoá lòng người rất khôn khéo mà thiền sư đã sử dụng để làm nên phép lạ nơi con người tội lỗi.  

 

cach cam hoa long nguoi
 

Làm cách nào để cảm hóa người khác 

 

Có một pháp môn của Đạo Phật có tên "Tứ nhiếp pháp" bao gồm 4 điều: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự mà các bậc chư tăng dùng để giáo hóa chúng sinh mà ngày nay chúng ta cũng có thể học hỏi nếu bạn đang trên đường đi tìm cách cảm hóa lòng người:  

Thứ nhất: Bố thí

 

Bố thí cũng cần phải có sự hiểu biết nhất định không phải cứ cho đi là được và có tới 90% mọi người chưa hiểu hết BỐ THÍ LÀ GÌ và có bao nhiêu loại?

 

Khi bạn cho người khác thứ mà họ cần, họ sẽ vô cùng cảm kích mà mong muốn được đền đáp lại. Cái mà bạn nhận có thể sẽ không được nhìn thấy, nhưng nó còn quan trọng hơn những gì mà tiền bạc mua được. Tuy vậy, cho như thế nào và ra làm sao cũng là điều mà chúng ta cần lưu ý. Có câu “của cho không bằng cách cho”, làm sao để người nhận cảm thấy mình đang nhận được sự trân trọng, quan tâm từ người khác chứ không phải chỉ nhận được đồ vật hoặc một món tiền vô tình và lạnh lẽo. Hay nói cách khác, khi bạn cho đi, bạn phải thật sự quan tâm tới người khác và mong muốn được giúp đỡ, được trao tặng cho họ.

- Tài thí: Trong cuộc sống, có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật, tai nạn, thiên tai,… Khi gặp những người như vậy, chúng ta dùng tiền bạc, của cải vật chất giúp đỡ họ, chắc chắn sẽ tạo được thiện cảm với họ. Nhờ đó, chúng ta nói Phật pháp, họ sẽ dễ tiếp nhận hơn. Còn khi họ đang đói khổ, mình nói Phật pháp, chưa chắc họ đã nghe. Người ta no bụng thì nói người ta mới nghe.

 

- Pháp thí: Chúng ta phải tìm cách đem Phật pháp đến cho mọi người để họ biết nhân quả, tội phước; biết điều lành, điều dữ; biết tu nhân, tích đức; biết vô thường, vô ngã, duyên sinh; biết cái nào là thật, cái nào là giả; biết con đường nào là hạnh phúc, giải thoát; con đường nào là đau khổ, luân hồi.

 

Nếu chúng ta bố thí tài sản, vật chất mà không bố thí pháp thì chưa đủ, bởi vì tiền bạc của cải chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hết. Thí dụ, chúng ta cho đi vài ký gạo hoặc vài trăm nghìn, họ xài vài bữa là hết, nhưng cái khổ của họ vẫn còn, không những khổ đời này mà còn khổ cả đời sau.

 

- Vô úy thí: Vô úy nghĩa là không sợ, vô úy thí nghĩa là giúp người khác có niềm tin, nghị lực để vượt qua những lo sợ trong cuộc sống. Chẳng hạn, có những người bị bệnh ung thư muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi sự đau khổ đang giày vò mình. Chúng ta biết chuyện, đến an ủi, động viên, giúp họ có niềm tin, nghị lực vượt qua đau khổ, khó khăn, tiếp tục sống để điều trị bệnh tật. Chúng ta dùng giáo lý nhân quả để phân tích cho họ hiểu rằng, ngày nay họ chịu đau khổ như vậy là do nhân quá khứ họ đã gieo. Tại sao cùng là con người mà có người khỏe mạnh hạnh phúc, có người bệnh tật đau khổ? Đó là do nhân và quả của mỗi người. Nếu giải quyết sự đau khổ bằng cách tự tử thì đây là việc làm vô nghĩa, vì kiếp này chưa trả hết nghiệp thì kiếp sau cũng sẽ lại bị bệnh tật để tiếp tục trả nghiệp. Hiểu được điều này, họ sẽ không tự tử nữa, mà cố gắng vượt qua để tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

Bạn phải thật sự muốn đem lại niềm vui cho họ chứ không đơn giản làm mong được họ đền đáp lại những gì họ đã nhận được. Ngoài ra, cho đi cũng cần phải được thực hiện một cách có trí tuệ để tránh việc người nhận ỷ lại, dựa dẫm, không cố gắng vì thường xuyên được cho.

 

Cho đi cũng không chỉ có ý nghĩa là cho tặng tiền tài, vật chất, mà còn có thể hiểu là cho đi kiến thức, sự hiểu biết và những lời nói tốt đẹp. Một người quản lý giỏi bao giờ cũng sẽ đào tạo nhân viên dưới quyền để họ ngày càng có kiến thức vững vàng hơn, khả năng làm việc giỏi hơn, một ngày nào đó có thể thay thế được mình. Dần dần, mức lương của họ sẽ được nâng lên và cuộc sống trở nên no đủ hơn. Một người uyên bác sẽ trao tặng tri thức của mình cho những người ham học hỏi để họ có thể vươn lên một cách vững vàng, tránh khỏi những sai lầm không đáng có… Cuối cùng, những lời nói tốt lành xuất phát từ thiện tâm sẽ làm dịu đi nỗi thống khổ, sự đau buồn và mang lại hi vọng về một tương lai tốt đẹp cho mọi người.

 

Thứ 2: Ái ngữ nhiếp  

Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, dễ thương để cảm hóa lòng người. Các cụ xưa có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi nói ra một lời, chúng ta không mất mát gì hết nên cần biết lựa lời mà nói để khiến cho người nghe cảm mến. Lúc đó, chúng ta sẽ thu phục, cảm hóa được họ.

Ái ngữ là nói lời yêu ái. Tức là “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Có người nói: “Tánh tôi thẳng như ruột ngựa, chứ chẳng hề có ác ‎gì.” Các bạn thẳng như ruột ngựa để nói như đâm thẳng vào tim, tát thẳng vào mặt người ta, thì:

 

- Đó là có ác ý. Không thể ra đường lái xe “thẳng như ruột ngựa” không phanh không lách, đụng người ta chết giữa đường, rồi nói “tôi chẳng có ác ý gì cả”.

 

- Đó là dốt, không biết cách ăn nói, không biết lựa lời và lựa cách nói để người ta nắm được ý của mình rõ nhất mà vẫn không cảm thấy bị xúc phạm. Đương nhiên ái ngữ phải thành thật thì đó mới là “ái”. Nói dối ngọt ngào ngoài miệng thì thực ra là ác ngữ, chứ chẳng ái một chút nào.

 

Ái ngữ còn là những lời nói khiêm tốn, lễ phép, hoặc những lời hỏi thăm thân tình, những lời hỏi thăm sức khỏe của một người thân quen, người đó sẽ cảm thấy ấm áp, cảm thấy được sự quan tâm của mình với họ.

 

Cùng là ái ngữ, nhưng có nhiều lời nói xuất phát từ tâm ô nhiễm và cũng có những lời nói xuất phát từ tâm trong sạch như vụ lợi, lừa gạt, lợi dụng tình cảm của người khác nhằm đạt được những lợi ích cho mình. Lời nói có sức mạnh rất lớn trong giao tiếp và trong cuộc sống, chúng ta cần phải nói làm sao để người nghe có ấn tượng tốt và ghi nhớ được thông tin.

 

Một người mà nói lời thô lỗ, cộc cằn thì chắc chắn sẽ khó giáo hóa được người khác. Bởi khi nghe những lời như vậy là người ta muốn chạy rồi, làm sao mình có cơ hội giáo hóa được họ? Cho nên, đức Phật dạy chúng ta phải dùng ái ngữ để thu phục lòng người. Muốn nói được những lời ái ngữ thì phải có sự tu tập, có lòng từ bi, tâm hỷ xả và sự nhẫn nhục. Bình thường chúng ta sử dụng ái ngữ đã khó rồi, đến khi người ta nói lời thô lỗ mà mình vẫn có thể nói chuyện với người ta bằng những lời hòa ái thì càng khó hơn nữa. Phải là người có sự tu tập sâu dày mới làm được như vậy.

 

Thứ 3: hành động mang lại lợi ích cho người khác (lợi hành).

 

Ngày nay, nhiều người do chạy theo lợi nhuận nên đã bán rẻ lương tâm của mình. Khổng Tử có dạy: Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác.

Chỉ có trung thực, chính trực mới có thể giúp bạn chiếm được niềm tin của mọi người, gây dựng được chữ tín và từ đó mới nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè mà thôi. Chỉ có trung thực, bạn mới đem lại lợi ích cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho cấp dưới, mới gây dựng được sự nghiệp của riêng mình.

Lợi hành nhiếp là dùng lời nói, việc làm để giúp đỡ mọi người, từ đó dần dần cảm hóa họ. Tùy theo khả năng, cảm thấy mình làm được điều gì lợi ích, có thể giúp được cho người khác thì chúng ta cố gắng làm. Những việc làm tốt đẹp của chúng ta sẽ tạo được thiện cảm với mọi người.

 

Thứ 4: Đồng cam cộng khổ 

Không phải ép buộc ai đó làm theo ta là người đó sẽ làm, thế nên đừng lấy uy lực ra để làm gì. Cảm hóa người khác là chuyện không dễ. Đó không chỉ là việc cần đến sự khôn ngoan, cơ trí bề mặt, nó còn là sự cảm thấu từ trong tâm, sự đồng điệu tận cõi lòng. Chỉ khi đối xử với người bằng cõi lòng thành thực, chân thành, trong ngoài như một, lời nói và hành động nhất quán thì mới cảm hóa, lay động được người khác. Một người lãnh đạo chỉ biết hưởng thụ, không quan tâm tới đời sống của nhân viên, chỉ tay năm ngón sẽ khó có thể khiến người khác tin và nể phục.

Đồng sự là làm việc chung, cùng đồng cam cộng khổ, thấu cảm lòng người thì mới được lòng cấp trên, cấp dưới.

 

Kim Linh