Phật Dạy: Không Làm Được Điều Này, Cúng Dường Bao Nhiêu Cũng Vô Nghĩa
(Xemsomenh.com) - Trong Phật giáo, cúng dường không chỉ là việc dâng lên chư Phật, chư Tăng những vật phẩm quý giá, mà quan trọng hơn cả chính là tâm niệm và sự chân thành của người cúng dường. Nhiều người lầm tưởng rằng phải cúng thật nhiều tiền bạc, vàng bạc châu báu thì mới được nhiều phước báu, nhưng theo lời Phật dạy, phương pháp cúng dường cao quý nhất không nằm ở vật chất mà chính ở tâm thành kính và sự thực hành giáo pháp.
Phật từng dạy rằng, cúng dường tốt nhất không phải là dâng lên những thứ đắt đỏ, mà là cúng dường pháp – tức là thực hành giáo pháp, truyền bá chân lý, giúp người giác ngộ và hướng đến điều thiện. Khi một người phát tâm thực hành giáo pháp, giữ giới, tu tập, làm lợi ích cho chúng sinh, đó chính là cách cúng dường cao quý nhất, bởi nó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn giúp nhiều người khác thoát khỏi đau khổ, u mê.
Cúng dường pháp không đòi hỏi tiền bạc, không phụ thuộc vào hoàn cảnh giàu nghèo, mà ai cũng có thể thực hành. Khi một người bố thí tri thức, hướng dẫn người khác đi trên con đường thiện lương, hay đơn giản là gieo duyên cho người khác biết đến Phật pháp, đó đã là một sự cúng dường vô cùng quý giá. Bởi vì tiền bạc, vật chất có thể mất đi, nhưng những giá trị chân lý, sự giác ngộ và tâm thiện lành thì sẽ còn mãi, không bao giờ hao hụt.
Vậy nên, nếu muốn thực hành cúng dường một cách tốt nhất theo lời Phật dạy, hãy không chỉ dâng lên những vật phẩm vật chất mà quan trọng hơn, hãy thành tâm thực hành giáo pháp, sống đúng với đạo lý, mang lại lợi ích cho mình và cho người. Đó mới chính là cách cúng dường cao quý nhất, đem lại phước báu lâu dài và sâu sắc nhất.
1. Phương pháp cúng dường cao quý nhất
Theo giáo lý nhà Phật, Phật, tăng, cha mẹ, người đau khổ... được coi là "phúc điền" tức thửa ruộng có năng lực sinh ra phúc đức.
Vì kính thờ Phật, chúng tăng, cha mẹ và xót thương cứu giúp những người nghèo khổ, đau ốm thì tích được phúc đức, giống như người nông phu gieo trồng trên mảnh ruộng thì có được thu hoạch trái ngọt.
Trong đó, chư Phật được coi là phúc điền lớn nhất. Muốn tích được nhiều phúc đức thiện báo thì có thể chọn cúng dường Phật.
Nhưng nên cúng dường Phật thứ gì để mới đạt được công đức dồi dào nhất? Thực ra, rất nhiều người tín Phật, bái Phật mỗi ngày nhưng lại dùng sai phương pháp để cúng dường đức Phật.
Vậy Phật dạy phương pháp cúng dường cao quý nhất là gì?
Phật dạy rằng, hãy cúng dường chính cha mẹ mình. Đó mới chính là phương pháp tích công đức, gieo nhân thiện đợi gặt quả lành chính xác nhất và thiết thực nhất.
Cha mẹ, hai đấng sanh thành có một địa vị quan trọng trong tâm thức của người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ-tát, nên “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy”(theo Kinh Đại tập).
Vốn dĩ đức Phật vốn không thiếu thứ gì, đừng tưởng dùng những thứ vật chất quý giá nhất cúng dường Phật thì có thể đạt được vô hạn đức năng; đừng nghĩ rằng cứ quỳ lạy thắp hương mỗi ngày trước Phật thì công đức của bạn sẽ lớn nhất.
Thực tế, khi đức Phật còn tại thế, cuộc đời của Ngài rất đơn giản, trong bài đầu tiên của “Kinh Kim Cương” đã mô tả về cuộc đời của Đức Phật như sau.
“Kinh Kim Cương” chép rằng: Một thuở đức Phật ở Shravasti (thành Xá Vệ), bên rừng cây Kỳ Đà, trong vườn Cấp Cô Độc, cùng với 1250 vị Đại Tỳ Kheo. Tới giờ ăn sáng, Ngài mặc y tăng, cầm bát đi vào thành Xá Vệ khất thực. Sau khi trở về và ăn xong, ngài thu dọn y bát, rửa chân, trải tòa ngồi xuống.
Đó là hình ảnh về cuộc sống thường ngày của đức Thế Tôn, một cuộc sống bình thường, giản dị, trong sự tỉnh thức. Trong Kinh không hề nói có hào quang, sấm chớp, đất trời rung chuyển hay một hiện tượng siêu nhiên nào xảy ra, như trong một số kinh điển Đại Thừa.
Ngài ngày đêm ngồi ở dưới gốc cây, không cần vàng bạc, châu báu, cũng không cần quần áo giàu sang, nên khi cúng dường chư Phật, chúng ta không nên nghĩ rằng những thứ đắt tiền nhất là những thứ cúng dường tốt nhất.
Việc cúng dường tốt nhất theo đức Phật chính là cúng dường bậc sinh thành ra mình. Nếu bạn không thể làm điều này, thì dù bạn có cúng dường Phật những thứ quý giá cả đời đi chăng nữa, cũng vô ích, vì bạn không tuân theo lời Phật dạy. Xem thêm: Lời Phật dạy về ân đức cha mẹ mà phận làm con nào cũng nên đọc
2. Phật dạy: Hãy cúng dường cha mẹ mình
Đức Phật dạy rằng: “Khi chưa có Phật trên đời, bạn nên phụng dưỡng cha mẹ của mình cho tốt, vì phụng dưỡng cha mẹ là cúng dường Phật.” Việc cúng dường tốt nhất trên đời, chính là coi cha mẹ bạn như những vị Phật.
Kinh Tăng nhất A-hàm chép rằng, một lần đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam-lồ, đến chỗ vô vi. Thế nào là hai pháp? Là cúng dường cha, mẹ. Ðó là hai người được công đức lớn, thành quả báo lớn.
Lại nữa, nếu cúng dường Bồ-tát một đời bổ xứ, được công đức lớn, được quả báo lớn. Ðó là, này Tỳ-kheo! Bố thí hai người này được công đức lớn, hưởng quả báo lớn, được vị cam-lồ, đến chỗ vô vi.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy thường nhớ hiếu thuận, cúng dường cha mẹ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!”
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Giáo lý nhà Phật luôn rất coi trọng chữ hiếu. Tất nhiên, không phải ai cũng hội đủ duyên lành để trọn hiếu, nhưng chí ít, chúng ta phải luôn tâm niệm, đau đáu trong lòng về chữ hiếu để tìm cách thể hiện.
Chữ hiếu thật lớn lao, bởi ‘Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Trong vô vàn những ý nghĩa cao đẹp của chữ hiếu, có người làm được phương diện này, có người lại làm được phương diện khác.
Tùy nhân duyên, hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, mỗi nhà mà thực hành hạnh hiếu cho phù hợp. Quan trọng là, cần phải xác định đâu là cốt tủy, là tinh túy của chữ hiếu để phụng hành. Bởi có khi, chúng ta có duyên lành làm được phần chính yếu của chữ hiếu mà lại không hay.
Nhà Phật nói rằng cúng dường cha mẹ tức là cúng dường Phật, công đức của hai việc là như nhau. Theo lời phật dạy về báo hiếu cha mẹ, vận may tối thượng ở chữ Hiếu.
Vậy nên ở đây Thế Tôn không nói phụng dưỡng mà là cúng dường cha mẹ. Hạnh hiếu đối với cha mẹ thì có thể giống nhau nhưng tâm hiếu phải được thăng hoa đến tột cùng.
Phụng dưỡng cho cha mẹ không thiếu thốn là điều có thể làm được, nhưng chừng ấy thì chưa đủ, cần phụng dưỡng trong niềm tôn kính đến cùng tột, đó chính là cúng dường cha mẹ.
Thật rõ ràng, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển, phận làm con thật khó đáp đền. Xem cha mẹ hiện còn như Phật (Phụ mẫu tại đương như Phật tại thế) nên trước phải lo cúng dường.
Cúng dường hay phụng dưỡng cha mẹ là nền tảng căn bản nhất của chữ hiếu. Kế đó là kính và thuận thuộc phương diện tinh thần, tìm cách làm cho cha mẹ an tâm, vui vẻ, đẹp lòng. Đúng như lời Phật dạy: "Hãy cúng dường cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng lỡ thời tiết. Lời Phật dạy"
Đức Phật cho rằng trên đời này có 4 điều quan trọng hơn cả sinh mệnh. Thứ nhất, tìm cách thoát khỏi những phiền não của chúng sanh. Thứ hai, để cho tất cả chúng sanh có cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Thứ ba, diệt trừ tam độc tham-sân-si. Thứ tư, báo đáp công ơn sinh thành to lớn của cha mẹ.
3. Một lòng thiện hiếu, phúc báo vô lượng
Đức Phật từng nói với người đệ tử thân cận nhất của Ngài là A Nan (Ananda) rằng, dù là người xuất gia hay cư sĩ tại gia, cung kính hiếu thuận cha mẹ là một công đức lớn nhất nhưng cũng khó khăn nhất.
Cha và mẹ là ruộng phước báo vô tận để chúng ta gieo trồng phước đức. Ngay đây, hiếu thảo không còn là trách nhiệm và bổn phận nữa mà hiếu thảo trở thành hạnh nguyện cao cả và thiêng liêng. Bởi hiếu thảo với cha mẹ là cách cải thiện số mệnh tốt nhất.
Nên dù cho cha mẹ có thương ta hay không, hoặc cha mẹ có thế nào đi nữa, trong tâm thức của người con hiếu đích thực, các ngài luôn là Phật, là thánh hiền.
Ai là người nghèo nhất và giàu nhất trên thế giới này? Đức Phật nói rằng, những người còn cha mẹ là những người giàu nhất, và những người không có cha mẹ là những người nghèo nhất.
Khi còn cha mẹ, cuộc đời rực rỡ như ánh mặt trời ban trưa; khi cha mẹ không còn, cuộc đời tối tăm buồn bã như thiếu đi ánh mặt trời.
Đức Phật tin rằng, nếu có một người, thỉnh mời một trăm vị Tỳ-kheo và các vị cao tăng đại đức, một trăm vị thần tiên, và một trăm đạo hữu đến lấp đầy Thất Bảo, cúng dường trăm loại ngọc ngà châu báu, treo hoa, trải giường trang trọng bằng vàng bạc kim cương, trị bệnh bằng trăm loại thuốc quý...
Làm những việc này trăm ngàn kiếp nạn, phước báo được hưởng chẳng bằng một chữ hiếu. Chỉ cần dùng một việc nhỏ là phụng dưỡng, hiếu thuận với cha mẹ, cúng dường cha mẹ mình, công đức đạt được có thể hưởng suốt ba đời.
Việc duy nhất trên đời không thể chờ đợi chính là hiếu thảo với cha mẹ mình. Nếu đã tin Phật thì hãy coi cha mẹ là Phật, là Bồ Tát để cung phụng và cúng dường, làm như vậy cũng tức là bạn đang cúng dường chư Phật.
Đừng nghĩ phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ, đó là phúc phận may mắn nhất của đời người. Có hiếu với cha mẹ, mới nhận được phúc khí của thiên hạ và được Thần Phật độ trì, vạn sự như ý.
Làm việc hiếu, lòng hướng thiện, sẽ có được tất cả, hậu vận viên mãn vô cùng. Bằng không sẽ rơi vào bể khổ triền miên, không thể tìm thấy bến bờ an lạc.
Người xưa thường nói: “Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm điều thiện chữ Hiếu đứng đầu). Đạo Phật cũng cho rằng, tu phước hãy bắt đầu từ việc hiếu thảo với cha mẹ, chỉ khi phụng dưỡng cha mẹ trước, rồi mới tới Phật thì công đức của bạn mới là vô lượng.