Phật dạy về hai dạng người hiếm có khó tìm: Nhất định học hỏi dạng người thứ hai
(Xemsomenh.com) Phật dạy về hai dạng người hiếm có khó tìm sẽ giúp bạn nhận ra rằng thay vì cố gắng trở thành người hoàn hảo thì nên trở thành người bao dung với mọi người và cả chính mình.
Phật dạy về hai dạng người hiếm có khó tìm ở đời nhưng vô cùng đáng quý: "Trên đời có hai hạng người tốt nhất. Một là hạng người không bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai là biết mình lầm lỗi mà lo ăn năn, sám hối, tránh không tái phạm”.1. Người không bao giờ phạm lỗi
Theo lời Phật dạy, những người không phạm lỗi là vô cùng đáng quý. Thế nhưng, thật khó tìm ở đời mà có một người nào như vậy, họ hoàn hảo tới mức không có bất cứ khiếm khuyết nào. Thực tế là ngay cả việc một người dù ăn chay, niệm Phật nhưng mỗi khi bước đi trên đường cũng sẽ vô tình dẫm lên một con vật nhỏ bé nào đó. Tuy là họ không nhìn thấy, sự việc vô tình xảy ra nhưng họ cũng đã là người mang tội. Dường như ở cõi Ta Bà này để không phạm lỗi là điều rất khó, thế nên việc gia đình nào vợ chồng cũng có lục đục cũng là lẽ thường. Chỉ ở bên bậc thánh hiền ta mới không có mâu thuẫn, còn ở bên người thường thì ai cũng có khuyết điểm khiến ta cảm thấy không vừa ý. Thế nên nếu ai đó cố gắng đi tìm kiếm sự hoàn hảo là điều không thực tế chút nào, thậm chí là còn phí công vô ích. Vì thế, trong cuộc đời này hãy tập quen với những việc bất như ý, sẽ có lúc bạn không được sống cùng những người mình thích, không được làm những việc mình muốn, nhưng đừng vin vào đó để rồi khổ tâm, sầu não. Ví dụ trong hôn nhân, nếu bản thân có ảo tưởng về một người chồng trong mơ với những tiêu chuẩn "hàng cực phẩm" thì lỡ gặp một người không vừa ý thì cũng hãy biết hài lòng với những gì mình đang có. Bạn không hoàn hảo, họ cũng vậy, thế nên bằng sự thấu hiểu của mình, học tính nhẫn nại, cảm thông, tha thứ cho nhau. Chỉ có như thế thì đời sống gia đình mới có thể "dễ thở" hơn. Hơn nữa, thay vì mong cầu tìm thấy sự đồng điệu từ người khác - một điều bất khả thi, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ của những người xung quanh, sẵn sàng đón nhận con người thật của chính họ. Dù người đối diện bạn là ai, một kẻ đáng ghét, một người đáng thương, hay đáng yêu thì cũng xem đây là cơ hội tốt để chúng ta quan sát phản ứng nội tâm của mình. Kể cả đối với con cái của bạn, chúng cũng là một cá thể riêng biệt, do đó hãy tôn trọng con dù chúng là một đứa nhỏ, chớ nên tham vọng uốn nắn nhào nặn con theo những suy nghĩ chủ quan của bản thân. Con rồi cũng sẽ có lúc phạm lỗi vì thế hãy chuẩn bị tâm thế cho điều đó và học cách nói gì với con cho phù hợp chứ không phải nổi nóng, tức giận vì mọi việc không diễn ra theo ý mình. Không phải ta buồn vì ai đó nhiều khiếm khuyết mà trên thực tế, tâm lý muốn thay đổi người khác mới là khởi nguồn của mọi đau khổ phiền não.
Hơn tất thảy, ngay cả bản thân bạn cũng cần nhận được sự bao dung lấy chính mình. Nếu có lần phạm sai lầm thì ta cũng học cách tha thứ cho ta, tránh thái độ bi quan, trách móc bản thân quá mức. Cuộc sống này không hoàn hảo và đó chính là vẻ đẹp của nó. Chính vì khi ta nhìn thấy sự không hoàn hảo mà trở nên bao dung hơn, ta trở nên nhẫn nại, khiêm nhường hơn, dần hoàn thiện mình trở nên tốt đẹp hơn. Giống như nam ca sĩ Hà Anh Tuấn từng nói: “Đừng tròn trịa và đừng cố gắng sống trọn... đến trái táo nó còn phải khuyết thì nó mới có giá trị!”. Thế nên cuộc đời này mọi thứ bề ngoài có vẻ bất toàn nhưng thật ra vốn rất hoàn hảo. Cho nên, ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn chính là người giác ngộ.
2. Người có lỗi và chịu sửa lỗi
Hạng người thứ hai rất hiếm có đó là: Biết mình lầm lỗi mà lo ăn năn, sám hối, tránh không tái phạm. Hàng ngày, việc ta vô tình phạm lỗi là chuyện rất dễ xảy ra, thế nhưng khi mình có lỗi thì tránh việc cố gắng che giấu nó, cố tảng lờ hặc đổ thừa lỗi lầm của mình cho ai đó là điều nên tránh xa. Ta sợ việc mình phạm lỗi, sợ đối diện cái sai của bản thân, vậy nên muốn che đậy tội lỗi ta bắt đầu nghĩ cách nói dối, lấp liếm sự thật, sai lầm nối tiếp sai lầm. Cách hành xử này chỉ mang đến tai họa cho ta về sau và không học được gì từ những sai lầm do mình gây ra.
Tâm lý đổ thừa xuất phát từ việc chúng ta rất xấu hổ khi phải thừa nhận sự yếu kém của bản thân, nhất là những ai có vị thế, có chức có quyền, có danh tiếng,... lại càng có niềm tin rằng mình giỏi, xuất sắc. Họ không dám hạ cái tôi của mình để chấp nhận rằng có những điều bản thân còn thiết sót. Thế nhưng sự thật họ đâu phải thánh nhân, cũng chẳn phải là người "biết tuốt". Vì thế, dù bạn là ai cũng hãy nhớ rằng, bản thân sẽ có lúc sai và khi đó nên dũng cảm thừa nhận. Theo Đức Phật thì hạng người có lỗi, phạm lỗi nhưng dũng cảm nhận lỗi và sửa lỗi rất hiếm có khó tìm, thế nhưng không có nghĩa là không có. Theo lời Phật dạy về sám hối thì đó là cách giúp ta làm nhẹ nghiệp báo của mình.
Thực tế là mỗi khi gây ra tội lỗi dù là nhỏ thôi ta vẫn thường thấp thỏm không yên lòng, lương tâm cắn rứt hoặc gặp phải những chuyện không may về sau. Nhưng chỉ cần thành tâm sám hối sẽ thấy lòng được thanh thản, tâm hồn nhẹ nhõm.
Vì thế, từ nay về sau ta có phạm lỗi thì hãy dám dũng cảm nhận lỗi về mình và tự hứa với lòng là sẽ sửa đổi để sau này sẽ không mắc lại lỗi lầm ấy nữa.
Đừng quá bám chấp, điều đó không làm chúng ta tốt hơn đâu. Bản chất của một người không phải là điều bất đi bất dịch mà có thể thay đổi. Cơ thể thay đổi, ký ức thay đổi, suy nghĩ và tính tình cũng có thể thay đổi.
Chúng ta sẽ thay đổi theo môi trường xung quanh, hoàn cảnh sống hoặc theo cả cách chúng ta muốn thể hiện với mọi người. Nên đừng bao giờ đóng khung bản thân và cũng đừng đánh giá người nào.
Khi dám thừa nhận thiết sót của bản thân, tìm cách thay đổi để hôm nay tốt hơn hôm qua, đừng ngại và đừng nghĩ rằng con người mình là bất biến. Chúng ta có thể tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình. Hãy nhớ rằng, trong từng khoảnh khắc, ta đều mới mẻ.
Kết luận: Qua lời Phật dạy về hai dạng người hiếm có khó tìm, ta cần rút ra cho bản thân mình đó là hãy luôn cố gắng hạn chế tối thiểu việc bản thân bị mắc sai lầm. Thế nhưng một khi đã lỡ bị phạm lỗi hay mắc lỗi thì nhất định không nên trốn tránh, ta nên dũng cảm đối diện, chấp nhận, và sửa lỗi.