Đời này có 4 điều ngay cả Đức Phật không thể xoay chuyển, có cưỡng cầu cũng vô ích

Thứ 7, 9/11/2024 - 0:37

Mục lục
 
Mục lục

(Xemsomenh.com) Dẫu có năng lực thần thông cứu khổ cứu nạn chúng sanh nhưng có 4 việc Đức Phật không thể xoay chuyển. Tất cả là bởi một chữ "duyên", cho nên có rất nhiều việc trên đời này không thể cưỡng cầu khi duyên chưa đủ...

 

Sau khi Đức Phật Thích Ca tu thành chánh quả, Ngài thông tỏ luật nhân quả ba đời, đạt thành Vô thượng chính đẳng chính giác, phúc tuệ viên mãn, có năng lượng thần thông vô tận.

 

Chính vì thế trong mắt nhiều người, đức Phật không có gì là không làm được. Càng là những kẻ mù quáng mê tín, sẽ coi đức Phật như thần linh để cung phụng và quỳ lạy van xin mỗi ngày.

 

Tư tưởng đó là sai hoàn toàn. Phật giáo vốn không phải là mê tín, Phật là giác ngộ, tức hướng con người tới những điều thiện lành.

4 viec duc Phat khong the xoay chuyen 1
 

Phật dạy rằng tất cả chúng sanh ai cũng đều có Phật tính, đều có thể tu thành Phật.

 

Giống như trong kinh đã viết: Thiện tri thức, tự tánh của Bồ Đề vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm để đắc Phật. 

 

Phật pháp là trí tuệ, là pháp bảo dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi mọi phiền não, vứt bỏ sự ngu dốt dần si.

 

Cái gốc của Phật pháp nằm ở nhân quả. Phật giáo vốn không nói đến quan niệm về số kiếp. Số mệnh của đời người vốn nằm trong bàn tay mình, bỏ ác tu thiện, tự mình cải thiện số mệnh của mình.

 

Đức Phật có thể chỉ dẫn phương hướng và nơi chốn để bạn giải thoát khỏi những khổ đau phiền muộn, nhưng tuyệt nhiên sẽ không tu hành thay cho bạn.

 

"Đời người là bể khổ, muốn thoát khổ chỉ có thể tự mình vượt qua."

 

Cũng như 4 việc Đức Phật không thể xoay chuyển dưới đây, dù có thần thông quảng đại ra sao thì cũng chẳng thể thay đổi được điều gì. Cho nên đừng tốn công vô ích cầu thần khấn Phật những việc đã được số mệnh an bài đó nữa!

 

1. NHÂN QUẢ không thể đổi thay

 

Chuyện kể về một hôm nọ, Đức Phật dẫn các đệ tử của mình đi đến một vùng quê nhỏ. 

 

Sáng hôm ấy, ánh nắng chan hòa, chim muông hót vang, hương thơm dìu dịu. Đức Phật cùng các đệ tử ngồi lại trên thảm cỏ bên bờ sông, cùng ngắm vạn vật đua chen sức sống.

 

Bỗng có một đệ tử cất tiếng hỏi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: “Thưa Đức Thế Tôn, ngài có đầy thần thông và từ bi, cớ sao trên đời vẫn còn quá nhiều chúng sanh chịu khổ vậy?”.

 

Đức Phật thoáng nhìn người đệ tử, mỉm cười đầy từ bi rồi ôn tồn giảng giải: “Ta dẫu có thần thông lớn ngần nào nhưng vẫn có bốn điều không thể làm được”.

 

Điều đầu tiên trong 4 việc Đức Phật không thể xoay chuyển chính là luật Nhân Quả trên đời.

 

Nhân quả tức là định nghiệp, chính là nghiệp (quả báo) do những việc thiện ác mà bạn đã làm. 

 

Nghiệp là Nhân, báo là Quả. Nghiệp và Quả Báo tạo thành luật Nhân Quả. Ngắn gọn là "nghiệp quả" hay "nghiệp báo". Nếu chúng ta tạo Nhân (Nghiệp) tốt thì sẽ trổ Quả tốt, còn ngược lại nếu ta gieo Nhân xấu thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng nhận Quả xấu. 

 

Chuyện Nhân Quả cứ thế mà xoay dần thành một vòng tròn không bao giờ chấm dứt vì con người cứ tạo Nhân rồi trả Quả. Trong việc trả Quả lại tiếp tục tạo Nhân mới và Nhân Quả cứ như thế mà luân hồi.

 

Đức Phật vốn chỉ giúp những người biết kết thiện duyên, chứ không hề giúp những kẻ hung ác tàn độc.

4 viec duc Phat khong the xoay chuyen 2
 

Trên thế gian này, không có điều gì công bằng hơn nhân quả. Hãy nhớ: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” (làm điều thiện thì trời ban phước, làm điều ác thì gặp tai ương). Câu nói này vốn chưa từng sai lầm.

 

Theo lời Phật dạy về nhân quả, Đức Phật dù từ bi đến đâu cũng không thể giúp một người tránh được nhân quả về những gì mình đã làm.

 

Đừng bao giờ nghĩ rằng đức Phật hồ đồ và có thể qua được mắt Ngài. Nếu như một người làm nhiều việc xấu, sau đó lại đến chùa chiền thắp hương, lạy Phật cầu xin ban phước lành, điều này sao có thể được?

 

Hơn ai hết, đức Phật càng thêm kính sợ luật nhân quả. Đến Ngài còn không dám tùy ý tạo ác nghiệp, hướng chi là chánh sanh phàm tục nghiệp chướng nặng nề như chúng ta.

 

Là Nhân, hay là Quả, đều do nghiệp mà bạn tự tạo ra. Nhân quả báo ứng là có thật. Quả báo đến phải do chính mình chịu nhận, phải biết thành tâm hối cải, chân thành sám hối, thề không bao giờ tái phạm việc xấu xa đó nữa thì mới mong nhẹ nghiệp.

 

Theo Luật Nhân Quả, khi chúng ta tạo Nhân nào thì sẽ nhận Quả (báo) tương ứng, là đối với những người không biết hối cải và tu tập sửa đổi. 

 

Nhưng nếu đã lỡ gây ra lỗi lầm mà biết ăn năn hối cãi lo tu tập và làm những việc thiện lành lợi ích cho chúng sanh để bù đắp lại thì quả báo cũng sẽ xoay chuyển, giảm nhẹ. Bạn có biết: Có 8 nguyên nhất dẫn tới ác nghiệp phải chịu quả báo lớn nhất

 

Đức Phật dạy muốn chuyển Nghiệp chúng ta cần phải "tịnh hoá tam nghiệp" nghĩa là tu sửa, thanh lọc Thân - Khẩu - Ý từ những lầm lỗi bất thiện dần dần trở nên thiện lành.

 

Đức Phật vốn luôn được vô số người phàm tục thờ phụng cúng bái, nhưng Ngài luôn đối xử công bình với tất cả, không bao giờ vì ai cúng nhiều hơn mà thiên vị người đó.

 

Nếu muốn cải thiện số mệnh, thì phải biết sợ nhân quả, nuôi dưỡng mảnh đất toàn những hạt giống thiện lành để gặt hái quả ngọt.

 

"Nhân quả vốn là điều không thể thay đổi. Người gieo nhân nào thì gặt quả ấy, không ai có thể nhận thay."

 

2. TRÍ TUỆ không thể cho

 

Trí tuệ vốn không thể ban cho, chỉ có kinh nghiệm đúc kết từ khó khăn và vấp ngã mới hun đúc nên trí tuệ của một người.

 

Trí tuệ của đức Phật vốn không giống với "kiến thức" của người phàm.

 

Kiến thức là phạm trù có hạn, mà trí tuệ là vô hạn. 

 

Kiến thức có thể sao chép khách quan, nhưng trí tuệ thì chỉ có thể dựa vào sự tỉnh ngộ của chính mình.

 

Kiến thức có thể dùng ngôn ngữ để miêu tả, còn trí tuệ thì không thể diễn giải bằng ý, càng không thể truyền đạt bằng lời.

 

Trí tuệ của đức Phật cũng như vậy. Không phải cứ đọc nhiều kinh Phật là có thể giác ngộ. 

 

Giác ngộ vốn không thể đếm bằng con số cụ thể, mà phải phụ thuộc vào việc chúng ta có ngộ tính hay không.

 

Người có ngộ tính cao, chỉ nghe một câu kinh Phật là đã được khai ngộ, thấu tỏ ý nghĩa xâu sa trong đó.

4 viec duc Phat khong the xoay chuyen 3
 

Chuyện kể về Đại sư Huệ Năng của Thiền tông Lục tổ.

 

Ngài vốn không phải người có văn hóa cao, chỉ là một người tiều phu suốt ngày đun nước đốn củi. Nhưng chính một người tầm thường như ngài, lại vì hiểu được đạo lý sâu xa trong câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" của "Kinh Kim Cang" mà thấu tỏ giáo lý nhà Phật, được truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu. 

 

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" nghĩa là “Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm”. 

 

Lời Phật dạy: “Đừng trụ vào đâu để mà sinh cái tâm” tức là dạy phương pháp tu hành của Ðại thừa, để “hàng phục vọng tâm” mà cũng là “an trụ chân tâm” vậy.

 

Câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" là câu nói cốt lõi của kinh Kim Cương cũng là câu nói nổi tiếng mà giới học Phật, nhất là Thiền Tông, dùng câu này làm yếu chỉ tu hành.

 

Thế mới thấy trí tuệ vốn không thể chỉ nói là được, chỉ có thể tự mình tự ngộ đạo mới hiểu được. Đức Phật vốn chẳng thể ban cho ai trí tuệ, ai muốn có đều phải tự mình tu học.

 

Hay như một câu chuyện khác về những tháng ngày xuất gia tu hành khổ hạnh của Phật Thích Ca. Quãng thời gian đó, Ngài phải chịu nhiều đau khổ và trắc trở, nhưng cũng dần trưởng thành và thông tuệ qua quá trình gian khổ trui rèn đó để trở thành một đức Phật Thích Ca được người đời kính ngưỡng.

 

Cho nên, đời người có lúc trải qua khó khăn gian nan chưa chắc đã là chuyện xấu, nếu có thể rèn luyện trong khổ nạn đó mới có thể là đại trí tuệ.

 

Người sống trong hoàn cảnh thuận lợi vĩnh viện không thể nào trở thành Phật. Không có trắc trở sẽ không thành Phật, không khổ luyện sẽ không thành tài. Xem thêm: Đức Phật dạy: Im lặng cũng là một loại trí tuệ của kẻ khôn ngoan

 

3. PHẬT PHÁP không thể diễn tả

 

Phật pháp chân chính không thể chỉ dựa vào lời nói miệng, mà chỉ có thể dựa vào ngộ mà đắc được. Còn pháp mà nói ra khỏi miệng tì sẽ không phải pháp chân chính.

 

Khi đức Phật còn tại thế, Ngài từng thuyết pháp ở thế gian 49 năm. 

 

Vậy Ngài đã nói những gì? 

 

Trong kinh Kim Cang có nói lại như sau: Những lời thuyết pháp của Như Lai, tất cả đều không thể làm được, không nói được, là pháp mà cũng chẳng phải pháp. 

 

Phật pháp chân chính thì không thể chỉ dùng ngôn ngữ hay chữ viết mà giải thích được trọn vẹn. Kinh Phật cũng chỉ soi đường dẫn lối để bạn tìm ra con đường sáng tỏ, còn tỉnh ngộ và lựa chọn ra sao lại do chính bạn tự mình trải nghiệm.

 

Như Đức Phật đã kết luận: "Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai", tức là nếu ai dựa vào thân tướng để mong thấy Phật, nếu ai nương theo âm thanh để cầu thấy Phật, đó là những người mang ý nghĩ lầm lạc, chẳng bao giờ thấy được Như Lai”.

4 viec duc Phat khong the xoay chuyen 4
 

4. KHÔNG CÓ NHÂN DUYÊN thì không thể độ

 

Điều thứ tư trong 4 việc Đức Phật không thể xoay chuyển chính là Ngài không thể độ những người không có lòng tin vào Ngài.

 

Đức Phật đề cao lòng từ bi, phổ độ chúng sanh. Tất cả chúng sanh, chỉ cần có lòng hướng Phật, ngài sẽ độ hóa hết thảy.

 

Tuy nhiên, dù cho chúng sanh ai cũng đều có hạt mầm Phật tính, nhưng tùy vào nhân quả nghiệp duyên bất đồng của mỗi người mà căn cơ ngộ tính cũng khác nhau. Cho nên không phải ai gieo trồng hạt giống thiện lành cũng đều thu lại được quả ngọt phúc báo.

 

Người vô duyên với Phật, dù có dẫn đến tận cửa Phật cũng không nghe vào bất cứ lời giảng đạo nào. Thậm chí người đó còn có thể sinh lòng chê bai phỉ báng. Những người không có nhân duyên như vậy thì không thể độ.

 

Chăm chỉ tụng kinh cầu khấn, nhưng liệu Đức Phật có tha thứ cho những tội lỗi ta đã gây ra không? Chỉ những người tu đủ phúc đức và nhân duyên mới có thể kết thiện duyên với đức Phật. 

 

Có câu: "Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo. Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân".

 

Nghĩa là: Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc. Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.

 

Thay vì cần Phật niệm Phật để xua tan mọi khổ đau, chi bằng hãy tự trở thành "đức Phật" của chính mình. Cầu người chi bằng cầu chính bản thân.

 

Trên đời có rất nhiều việc không thể cưỡng cầu. Tất cả chỉ có thể dựa vào một chữ duyên mà thôi. Duyên chưa đủ thì không thể gặp, phận không có thì sao có thể ép buộc được đây?