Phật dạy bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh: Chỉ cần làm tốt một việc này!
(Xemsomenh.com) Theo lời Phật dạy, bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh vốn bắt đầu từ một việc rất đơn giản, song hiểu được và làm tốt việc đó thì lại rất ít người thành công. Hãy cùng xem đó là việc gì?
Nhiều người nghĩ rằng, các bộ Kinh Phật chỉ hướng những vấn đề cao siêu hay đề cập đến giải thoát khổ đau chứ không quan tâm đến vấn đề hiện tại, không tập trung tới cuộc sống của những người đi theo Phật pháp, những người tu hành…
Nhưng có một quyển kinh mang tên “Kinh Sigalovada” (Ghi lại những lời dạy bảo của Đức Phật với một chàng trai tên là Sigala) lại hướng đến những vấn đề đời thường của những con người bình thường, như chuyện tiền nong, công việc cho đến các bổn phận trong gia đình.
Đặc biệt, trong quyển kinh này có một lời dạy mà theo Đức Phật, đó chính là bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh mà các Phật tử nhất định cần phải ghi nhớ.
Bí quyết đó thực ra không có gì cao siêu, nó vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, chỉ là ta hay xem nhẹ và bỏ qua, hoặc từng ý thức được nhưng lại không thực hiện được. Hãy cùng xem đó là bí quyết gì nhé!
1. Quan niệm của Đức Phật về tiền bạc
Thực tế, Đức Phật không tách biệt cuộc sống ra khỏi nền tảng kinh tế và xã hội. Ngài nhìn nhận nó như một tổng thể, về mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội.
Những điều Phật dạy về vấn đề đạo đức, tâm linh và triết lý thì ai cũng biết rồi. Nhưng một số ít người khác, đặc biệt ở Phương Tây, không biết nhiều về những lời dạy của Đức Phật về vấn đề kinh tế.
Đức Phật chưa bao giờ cho rằng sự giàu có là đích đến mà mỗi con người đều cần phải nhắm đến, hay bắt buộc phải giàu có thì mới có hạnh phúc, nhưng Ngài cũng không cho rằng giàu có là chuyện xấu.
Một điều kiện kinh tế ổn định, không có gánh nặng về tài chính chẳng những có thể giúp con người ta hào hiệp và giữ được những tiêu chí về đạo đức của bản thân, mà đồng thời nó còn giúp con người hạn chế tạo ra nghiệp hay những điều tiêu cực.
Để có thể tạo ra một nguồn tài chính đảm bảo, chăm chỉ chính là chìa khóa dẫn tới điều đó.
Đức Phật luôn đánh giá cao sự chăm chỉ ở mỗi người, và nếu mỗi người đều chăm chỉ lao động, biết tích cóp, vun vén, giúp bản thân làm giàu một cách chân chính thì đó chính là cái phúc của anh ta, cho gia đình anh ta. Nói rộng ra, một quốc gia mà có những công dân như vậy thì tất nhiên sẽ phát triển hưng thịnh.
Đức Phật từng nói có 6 việc xấu mà con người không nên làm, nếu tránh được thì nhà nhà sẽ giàu có, an khang. Đó là:
Thứ nhất: Ngủ cho đến lúc mặt trời lên.
Thứ hai: Thường xuyên để bản thân trong tình trạng lười biếng, không lao động.
Thứ ba: Hành động độc ác, nhẫn tâm.
Thứ tư: Sa đà, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, khiến cho bản thân say sưa tối ngày, trở thành kẻ sống bê tha, suy đồi, tạm bợ, vô trách nhiệm với người khác.
Thứ năm: Đi lang thang ngoài đường phố vào ban đêm.
Thứ sáu: Tà dâm.
Trong 6 điều này đã có 2 điều đầu tiên có liên quan đến sự lười biếng, vậy nên có thể nói, Đức Phật luôn đề cao sự chăm chỉ lao động của mỗi người.
Theo Đức Phật, khi con người lao động chân chính và trở nên giàu có, anh ta có thể dễ dàng đi theo con đường Bát chánh đạo (tức là 8 con đường đúng đắn) hơn so với những người khác.
Khi chúng ta có một cuộc sống vật chất đủ đầy, ta sẽ khó sa vào những sự cám dỗ về mặt vật chất, ta sẽ có nhiều thời gian để tĩnh tâm và cũng có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn. Xem thêm: Nghe lời Phật dạy về tiền bạc, tất biết TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ
2. Phật dạy bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh
Hai câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh theo lời Phật dạy là gì:
Câu chuyện thứ nhất:
Một người tên là Dighajanu đã đến thăm Đức Phật và thưa rằng: “Thưa Thế tôn, chúng con là những người thế tục tại gia đang sống cùng gia đình, vợ con. Mong Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con một số lý thuyết để chúng con theo đó mà có được hạnh phúc trong đời này và đời sau”.
Đức Phật nói với ông ta rằng có bốn điều giúp cho con người có được hạnh phúc trong đời này:
a) Trước tiên, là phải có tài khéo, hiệu quả làm việc, hăng hái và mạnh mẽ trong nghề nghiệp của mình, và phải hiểu biết rõ nghề nghiệp của mình.
b) Thứ hai, phải biết gìn giữ, bảo vệ tiền bạc của cải làm ra một cách chân chính. (Điều này có nghĩa là bảo vệ tài sản của mình khỏi bị trộm cắp, tương ứng với bối cảnh lịch sử vào thời xa xưa đó).
c) Thứ ba, phải có bạn bè tốt, bạn hiền, bạn trí để giúp đỡ, khuyên bảo mình đi theo đường thiện, tránh xa việc ác.
d) Thứ tư, phải tiêu xài tiền bạc một cách hợp lý, đúng đắn, không nên tiêu xài quá nhiều mà cũng không nên quá ít, keo kiệt. Có nghĩa là không nên hà tiện để tích trữ tài sản như của núi, nhưng cũng không nên tiêu xài hoang phí. Nói cách khác là nên tiêu xài hợp lý trong giới hạn những điều kiện mình có được.
Câu chuyện thứ 2:
Có một lần, trên đường đi, Đức Phật tới ở nhờ một nhà dân ở thành phố Rajagaha. Con trai của chủ nhà là một thanh niên trẻ tên là Sigala.
Sigala khẩn thiết muốn được nghe Đức Phật thuyết pháp, và vì thế, Ngài đã có một bài nói chuyện dài với Sigala. Trong bài thuyết giảng đó, Đức Phật đã chỉ ra những điều nên làm, những điều nên tránh, và đặc biệt là cách chi tiêu hợp lý.
Như vậy, qua hai câu chuyện trên, có thể thấy bí quyết để gia đình phát triển hưng thịnh mà Đức Phật nhấn mạnh chính là việc biết cách quản lý kinh tế gia đình hay chi tiêu hợp lý.
Theo lời Phật dạy về gia đình, một gia đình có thể phát triển hưng thịnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của những thành viên trong gia đình đối với đồng tiền và việc sử dụng những đồng tiền mà họ kiếm được.
Giáo lý nhà Phật cho rằng, mặc dù tiền bạc hay sự giàu có không phải là điều con người ta theo đuổi hay hướng tới, và bất kỳ ai cũng không nên là kẻ ham tiền, yêu tiền, ám ảnh vì tiền, nhưng lại là thứ cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Cách để quản lý kinh tế gia đình hiệu quả nhất
Khi vấn đề tài chính không được đảm bảo, tiền nong trở thành gánh nặng, sẽ rất khó để phát triển gia đình một cách hưng thịnh như mong muốn.
Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc quản lý kinh tế gia đình hiệu quả. Và để làm được điều đó, Đức Phật đã dạy rằng, mỗi cá nhân nên chia số tiền mình kiếm được thành bốn phần.
Cụ thể như sau:
- Phần thứ nhất dành để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày: Bao gồm nhu cầu ăn uống, nhà cửa, tiêu dùng, các mối quan hệ xã hội...
- Hai phần tiếp theo sẽ dành để đầu tư sinh lời, nguồn tiền phải luôn luân chuyển, giúp cho tiền đẻ ra tiền, chứ không phải là "tiền chết", bảo đảm một tương lai lâu dài cho chính những thành viên trong gia đình đó.
- Phần cuối cùng, là số tiền để tiết kiệm đề phòng bất trắc hoặc tình huống khẩn cấp như ốm đau bệnh tật, lo liệu việc bất ngờ… nếu không có chuyện cần kíp, nhất định không được mang ra tiêu.
Theo Đức Phật, chỉ cần 1/4 số tiền kiếm được, con người đã có một cuộc sống tạm ổn, đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của cuộc sống như ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, giáo dục...
Khi đã có nền kinh tế ổn định, chỉ cần 1/4 tổng thu nhập hàng tháng là có thể thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu trên.
Tất nhiên, để phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt lời dạy của Đức Phật. Bốn phần nói trên có thể bằng nhau (tức là mỗi phần chiếm 25% thu nhập), hoặc hơn kém nhau một chút tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình cũng như loại đầu tư mà chúng ta định tham gia. Đừng bỏ lỡ: 4 nét phong thủy tốt đẹp tạo nên một gia đình phúc lộc song toàn
Đừng quên “đắp sẵn đê để phòng lũ”
Nhất là của cải dành dụm được rất có thể bị tiêu tan bởi những thói hư tật xấu, tà tâm như nghiện ngập, quan hệ bất chính; kết thân với những người không có đạo đức…
Cho nên của cải kiếm được bằng mồ hôi nước mắt chúng ta phải bảo vệ và tiết kiệm. Giống như một con sông mùa lũ phải có đê chắn.
Có người lương tháng vài chục triệu đồng hoặc có người kinh doanh với khoản lợi kếch xù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng nếu tiêu xài hoang phí, không xác định rõ thứ gì nên mua, việc gì nên chi để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì sẽ không có tích lũy.
Ngược lại, có người lương thấp hơn hoặc làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nhưng nhờ tiết kiệm, dùng đồng tiền một cách khôn ngoan, cuối cùng “tích tiểu thành đại”, “góp gió thành bão” mà sự giàu có vốn là quá trình tích lũy thường xuyên, liên tục.
Lại có người khi có nhiều tiền thì sử dụng một cách hoang phí vào các cuộc chơi vô bổ, các tệ nạn xã hội như ma túy, sắc gái… hoặc do lòng tham muốn có được nhiều tiền nhưng không phải đổ mồ hôi qua một canh bạc thì từ chỗ là người đầy tớ trung thành, đồng tiền trở thành con rắn độc quay lại cắn ta, biến ta thành kẻ trắng tay lúc nào không hay.
Bởi vậy, muốn được giàu có ta phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo, khôn ngoan đồng tiền để nó trở thành công cụ tiếp tục kiếm ra tiền mà không rơi vào sai lầm mà con người thường hay mắc phải là tay phải làm ra, tay trái vãi đi.
Đức Phật nói giống như một con ong chăm chỉ đi kiếm phấn hoa để mang về tổ, những hạt phấn hoa nhỏ xíu mà nó thu thập được qua thời gian sẽ trở thành những tảng mật ong lớn có thể nuôi cả bầy ong.
Sự tiết kiệm của con người cũng giống như vậy. Tích tiểu thành đại, ắt sẽ có ngày chúng ta trở nên giàu có, sung túc. Đó chính là bí quyết để giữ gia đình luôn hưng thịnh mà ai cũng cần ghi nhớ.