Hai hiểu nhầm lớn nhất của chúng ta về lời Phật dạy
(Xemsomenh.com) Trải qua hơn 2 ngàn năm dịch ra các thứ tiếng, biên tập lại nên ý nghĩa đúng của những lời Phật dạy không hoàn toàn còn được giữ như nguyên bản.
Đức Phật giảng đạo nhưng không viết thành bài giảng, chỉ có các đệ tử ghi lại và viết thành Kinh, gọi là Kinh Phật, lưu truyền cho tới ngày nay. Vì thế, không tránh khỏi được việc "tam sao thất bản" theo suy nghĩ chủ quan của người viết. Đó là chưa kể đến chiến tranh tôn giáo liên miên nhiều thế kỷ mà nhiều bộ kinh cổ đã bị đốt hoặc thất lạc, sau này được biên tập lại chủ yếu do trí nhớ chủ quan của người viết. Do đó việc hiểu đúng lời Phật dạy không hề là một điều dễ dàng, đó là lý do chúng ta dễ hiểu sai ý Ngài và sau đây là hai sai lầm phổ biến nhất.
Câu nói Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
Bài kệ đầy đủ đó là: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Nhất thiết thế gian sinh lão bệnh tử”. Tuy nhiên hầu hết mọi người chỉ giảng câu trên mà bỏ mất câu dưới: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” và giải thích rằng khi ngài chào đời, đã đi 7 bước, một tay chỉ Trời một tay chỉ Đất với hàm ý trên đời này chỉ có mình ta là tôn quý. Điều này phản ánh sai phẩm chất của ngài vì Đức Phật dạy rằng sống khiêm tốn mới là đỉnh cao của sự hiểu biết. Không những thế chúng ta còn thần thánh hóa Đức Phật mà bảo rằng cứ mỗi bước đi dưới chân ngài lại nở một bông sen. Thực ra đây chỉ là bài kệ do người đời viết ca ngợi chứ không phải là lời của Đức Phật. Vì hiểu nhầm này mà có những nơi dựng tượng, vẽ băng rôn hình Đức Phật khi ra đời một tay chỉ Trời một tay chỉ Đất, đi 7 bước với 7 bông sen dưới gót chân ngài. Đây là thần thánh hóa đức Phật một cách hoang đường, là mê tín. Phật giáo là chính tín, không phải là mê tín. Ngài chào đời cũng như những đứa trẻ bình thường khác, còn khi đã thành đạo, tức là đã tu thành Phật. Đức Phật xem mọi người đều như nhau, ngài có thể thành Phật thì mọi người cũng có thể thành Phật. Ngài chỉ giáo cho mọi người cần phải hiểu rằng cái Bản ngã của mỗi người, hay còn gọi là cái vòng đời của mỗi người nó xoay vần liên tục vô tận không ngơi nghỉ. Hiểu như vậy thì sẽ thấy ta sống hôm nay là đang chuẩn bị cho vòng đời sau, thế nên từ nay phấn đấu hướng thiện để cho vòng đời sau được tươi sáng hơn.
Theo lời Phật dạy, Bản ngã là cái Ta, cái Tôi tức là vòng đời của ta ở hiện tại, đó chính là phần Hồn của ta sẽ không thể mất đi. Khi ta chết thì còn lại phần Hồn và bỏ đi cái thân xác cũ. Rồi qua các kiếp ta cũng chỉ thay cái thân xác còn ta vẫn là ta. Theo lời Phật dạy đó là vô ngã, tức là cái vòng đời nó liên tục xoay vần và không dừng lại, luôn đổi thay. Chỉ khi hiểu được điều này ta mới không lo sợ về cái chết ta tập trung tu luyện chứ không phải hưởng thụ cho xong. Ta hiểu rằng, chúng ta sẽ qua từng vòng đời và luôn cố gắng vươn lên, biến đổi tốt hơn để lên được tầng cao của vũ trụ. Muốn vậy thì phải sống thiện tại kiếp này để tích Đức chuẩn bị cho kiếp đời sau. Đó là lý do Đức Phật cho rằng trên đời này hiểu được Bản ngã là tối quan trọng. Duy ngã độc tôn là vậy, cũng đơn giản như vòng sinh lão bệnh tử mà ai cũng biết, chứ không có gì là thần bí.
Người đầu thai làm súc vật
Đây cũng là một trong những hiểu nhầm về lời Phật dạy. Thực tế người không đầu thai làm con vật. Con người có linh hồn được học hỏi từ kiếp này sang kiếp khác, nên có trí tuệ, lý trí. Con vật không có linh hồn, nên chúng sống bằng bản năng tự nhiên của chúng. Ngày nay, nhiều người khi giảng về Kinh Phật cho rằng người sống tội lỗi ở kiếp đời này thì kiếp sau sẽ phải đầu thai làm súc vật và được coi là lời Phật dạy hoặc có tài liệu viết rằng: Đức Phật trên con đường tu luyện đã đầu thai làm hầu hết súc vật để hiểu chúng sinh.
Thực tế là Ngài đã từng hóa thân thành khoảng trên 350 loài sinh vật khác nhau để hiểu chúng chứ không phải là đầu thai. Xong việc rồi thì Phật vẫn là Phật. Sở dĩ phải mượn một cái thân xác là để đủ nặng mà trụ được ở lại trần gian. Con người sống có tội thì khi chết, linh hồn bản gốc sẽ bị phạt giam vào cõi Ngục ở cõi giới vô hình (ta gọi là Cõi Trời), rồi cho xuất ra một bản sao buộc phải đầu thai về làm một người Trần khác để sửa lỗi. Trở thành người như thế nào là do Luật Nhân Quả quyết định tùy theo mức tội nặng nhẹ đã mắc ở những kiếp đời trước. Vì thế, con người sinh ra không hoàn hảo, họ phải tự sửa chữa lỗi lầm của mình trước đây, có người sinh ra đã giàu có, có người thì nghèo hèn, có người bệnh tật đầy mình. MiMo