Hiểu câu chuyện Đức Phật và hai chiếc bình đất sẽ biết biến mọi đau thương hóa hư không
(Xemsomenh.com) Qua câu chuyện về Đức Phật và hai chiếc bình đất cho thấy chúng ta hay mơ hồ về việc có Thần hay Phật giúp cho mình mà không nghĩ rằng việc này đi trái với quy luật tự nhiên.
1. Câu chuyện về Đức Phật và hai chiếc bình đất
Đức Phật hiểu rằng nói chuyện phải trái với một người đang không đủ bình tĩnh là điều rất khó. Thế nên Ngài yêu cầu người này ra chợ mua hai cái bình đất về. Sau đó Đức Phật yêu cầu anh làm đầy một bình bằng bơ và bình kia bằng đá, sỏi. Anh chàng làm theo vì tin rằng có thể yêu cầu của mình sắp được Ngài thực hiện. Sau khi niêm phong hai chiếc bình, Ngài bảo anh thả chúng xuống một cái hồ và bình liền chìm xuống đáy. Đức Phật tiếp tục yêu cầu anh mang một cây gậy cứng để có thể đập bể hai chiếc bình. Người này làm theo từng bước vì nghĩ rằng đó có thể là quy trình của một nghi lễ. Khi bình vỡ, bơ ở bình đầu tiên trào ra và nổi lên trên mặt nước; trong khi đó sỏi thoát ra từ cái bình còn lại và rơi xuống đáy hồ.
Lúc này, Đức Phật mới ôn tồn bảo người kia: "Những gì ta có thể giúp anh thì ta đã làm xong, giờ đây anh hãy nhờ tất cả các tu sĩ đến và nói họ cùng cầu nguyện: "Bơ ơi hãy chìm xuống đáy hồ. Sỏi ơi hãy trồi lên mặt nước".
Anh này ngạc nhiên đáp: "Dạ thưa, sao có thể như vậy được? Như thế là trái quy luật của tự nhiên, sỏi nặng hơn nước nên chìm xuống dưới, còn bơ nhẹ hơn nên mới nổi lên. Không có chuyện ngược lại cho dù cầu nguyện". "Này anh bạn, có vẻ anh biết rõ về luật của tự nhiên, tuy nhiên anh không muốn hiểu luật của tự nhiên cũng áp dụng vào cuộc sống của anh. Nếu cha anh từng làm những việc nặng như sỏi thì chắc chắn phải chìm xuống. Còn ông ấy làm những việc nhẹ như bơ thì ắt sẽ nổi lên. Không ai có thể điều khiển được việc đó cả, bao gồm cả cầu nguyện", Đức Phật đáp lời. Lúc này anh bạn trẻ mới hiểu ra vấn đề và cảm ơn Ngài rồi lặng lẽ ra về.
Bài học: Qua câu chuyện trên ta có thể thấy người con trai khá bám chấp, mong Đức Phật hỗ trợ mình một điều khá viển vông, anh tin rằng Ngài có phép màu để biến không thành có mà không đối diện với sự thật rằng ai trong chúng ta cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên của cuộc sống. Có thể nói hầu hết chúng ta cũng giống như người con trong câu chuyện về Đức Phật và hai chiếc bình đất. Ta hay nói về quy luật tự nhiên của cuộc sống, thế nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm đối mặt với chúng khi có điều trái ý muốn của mình xảy ra. Thậm chí, càng rơi vào khó khăn ta càng hay cầu mong có ai đó ra thay giúp đỡ. Ví như Thần hoặc Phật mà không giúp lúc này thì ta sẽ oán. Cuối cùng không chịu nhận ra rằng chỉ có chính bản thân mới tự cứu lấy được chính mình mà thôi.
2. Dấu hiệu ta trốn tránh quy luật tự nhiên
2.1 Không chấp nhận cái chết
Chúng ta thường trốn tránh, ngại nói về chuyện chết. Nếu ai đó đề cập tới chuyện này là cho rằng xui rủi, không muốn tìm hiểu sâu về nó. Thế nhưng nếu cùng Đạo Phật ngẫm về cái chết, ta sẽ thấy chẳng có gì đáng sợ cả! Chết cũng tuân theo quy luật tự nhiên nên không có ai gọi là "chết oan", tất cả đều là nhân - quả báo ứng từ nhiều kiếp cộng lại. Mọi thứ xảy ra đều là đúng thời điểm, có thể bằng mắt thường, hay suy nghĩ logic của chúng ta thì không giải thích nổi nhưng đều có lý do ẩn sau đó cả. Thế nên nếu biết chấp nhận quy luật tự nhiên, hiểu rằng con người có sinh thì cũng phải có tử như là lẽ thường thì có chết như thế nào: bị người khác hãm hại hay vô tình bị chết cũng là chuyện tất nhiên của cuộc đời, không có gì đáng phải bàn cả. Hãy xem nhẹ mọi thứ thì chẳng thấy có gì đáng sợ nữa.
Như câu chuyện của Ngài Tăng Triệu lúc nhận án tử vẫn xin phép hoãn lại vài hôm để viết cho xong bộ Luận Bảo Tạng. Ngài thấy cái chết đến cũng là lẽ thường, thậm chí trước khi chết còn đọc bài kệ:
Ngũ ấm nguyên phi hữu
Tứ đại bản lai không
Tương đầu lâm bạch nhẫn
Nhất tự trảm xuân phong.
Tức là:
Năm ấm nguyên chẳng có
Bốn đại xưa nay không
Đem đầu đến dao bén
Giống hệt chém gió xuân.
Có thể thấy Tăng Triệu xem cái chết là chuyện không có gì đáng ngại, thản nhiên đón nhận, bị dao chém cũng chỉ như "chém gió xuân" vì Ngài thấy rõ ngũ uẩn bốn đại đều là không, đều là vô ngã hết, không có cái ta thật, thì dù chém hay gì cũng không quan trọng nữa. Trong khi đó, người đời khi nghĩ đến cảnh tử hình, bị chém thì là đau đớn, tủi nhục, thống khổ, những suy tưởng ấy, tất cả đều do vô minh mà ra. Là do chấp ngã, bám víu vào cái tôi nên kiểu gì cũng thấy khổ đau, bám chấp.
2.2 Không chấp nhận xui xẻo đến với mình
Nhiều người vì chia tay người yêu, ly hôn, bị cướp giật, gặp thất bại trong cuộc sống... liền muộn phiền, than vãn như thể mình sẽ không sống nổi. Thế nhưng họ cũng quên rằng những điều xảy ra với mình cũng tuân theo quy luật tự nhiên của cuộc sống, không có gì là bất thường cả. Chỉ khi biết chấp nhận, đối mặt với chúng thì họ mới mong có được cuộc sống yên ổn, nếu không thì tâm trạng luôn bất an, khó chịu suốt không thôi. Những người đã thoát khỏi sự vô minh lại khác, họ vẫn cảm thấy thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như Thiền sư Ryokan từng bị trộm đột nhập vào am, nhưng ông lại tỏ ra thương cảm: "Anh đã vất vả lắm mới vào được đây, hãy lấy áo của tôi, đừng về không như thế". Nói xong còn cởi áo đưa cho tên trộm. Ngài còn ngắm trăng và thì thầm: “Ước gì ta có thể cho anh ấy mặt trăng đẹp này”.
Hay chuyện kể về thời Đức Thế Tôn còn tại thế, có bà Tì-xá-khư đi nghe pháp và cởi chiếc áo choàng quý giá cho đầy tớ cầm. Thế nhưng khi quay về mới nhớ ra là đã để quên áo. Không hề trách mắng đầy tớ, bà nói: "Con quay lại tịnh xá để tìm đồ, nếu có vị Tỳ-kheo nào đụng tay tới cái áo rồi thì không cầm về nữa. Khi biết ngài A-nan cất giùm, bà tới bạch với Phật là xin bán cái áo để cúng dường, dùng tiền làm điều gì đó thật ý nghĩa. Phật đồng ý và nghĩ rằng nên làm một cái tăng xá để cho chư Tăng ở. Bà rất vui và đồng ý ngay với ý tưởng này. Thế nhưng chiếc áo đắt quá, không ai mua nổi, cuối cùng bà đành mua lại chiếc áo, lấy tiền đó xây Tăng xá. Khi mọi thứ xong xuôi, bà hoan hỉ nói với đầy tớ rằng bà có được công đức này là nhờ công của cô ấy thế nên công đức này bà xin chia hai. Vậy mới thấy rằng chuyện tưởng rằng đáng trách của đầy tớ lại được bà "biến hóa" thành chuyện vui cho cả bà, cho đầy tớ và cả chúng Tăng. Cuối cùng chuyện vui hay buồn, hay hay dở là hoàn toàn do tâm ta chi phối, đó cũng là cách chấp nhận quy luật của tự nhiên của cuộc sống một cách thông minh mà không phải ai cũng có được.
2.3 Cố vơ vét của cải về mình
Tham lam dường như trở thành điều tất nhiên ở cuộc sống hiện đại khi mọi người cứ hễ có gì lại buột miệng: Ai mà chẳng tham. Thế nhưng tham lam là cách đi ngược với quy luật tự nhiên vì cuộc sống này ai cũng có phần riêng của mình, cố gắng tham ở chỗ này lại mất ở chỗ kia. Thế nên, nếu có người cố tình vơ vét nhiều về mình nhưng cuối cùng cũng bị trả giá, thậm chí mất tất cả để giữ thế cân bằng của cuộc sống. Vậy nên, nếu muốn tham cũng chẳng được. Nhiều người đến tận lúc gần đất xa trời vẫn cố vơ vét của cải về mình mà không hiểu rằng những lúc đó càng phải biết buông bỏ hết mọi thứ. Nếu có thể thì biết chia sẻ của cải của mình cho người khác, dùng để bố thí, từ thiện càng có nhiều phước đức. Thế nhưng họ không làm, thậm chí còn tranh giành hơn thua, cuối cùng thì bị người đời xa lánh, chê trách, càng tham lại càng mất mát nhiều hơn.2.4 Tìm cách chinh phục thiên nhiên
Con người thích chinh phục tự nhiên và xem như đó là thành quả, là cách để chứng tỏ mình là loài thông minh nhất. Thế nên họ mới nghĩ tới chuyện phá rừng để xây nhà cao tầng, tìm cách "sống ở sao Hỏa" hay những điều tương tự để thể hiện bản thân là kẻ mạnh. Nhưng cuối cùng thì sống thuận theo tự nhiên, hiền hòa với mọi thứ xung quanh mình mới là khôn ngoan nhất. Trong Luật tạng có ghi lại rằng các Tăng Ni không được phá hoại bất cứ loại cây cối nào, không được cố ý nhổ hoặc tổn hại đến các loại hạt giống và trái cây sắp nảy mầm. Còn về Đức Phật, để tránh làm ảnh hưởng tới sự sinh sôi nảy nở của các loại côn trùng và cây cỏ trong mùa mưa Ấn Độ, Ngài đã chế pháp an cư 3 tháng .
Tăng đoàn Phật giáo ở thời kỳ đầu luôn có sự gắn kết mật thiết với thiên nhiên. Việc thực hành thiền định, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ được thực hành trong rừng và lối sống hòa hợp với môi trường cho thấy ý nghĩa quan trọng của môi trường đối với Phật giáo. Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: