Lời Phật dạy về chữ tâm - có tâm ắt hưởng phúc lành
(Xemsomenh.com) Trong cuộc sống có rất nhiều điều quý giá nhưng quan trọng nhất là tâm. Tâm khởi phát cho mọi khổ đau và hạnh phúc, cùng lắng nghe lời Phật dạy về chữ tâm để có thêm những suy nghĩ đúng đắn cho con đường mình đi.
Nhiều người thích tiền tài, danh vọng, vật chất, điều này không sai, đó là nhu cầu thiết thực và đáng trân trọng. Nếu làm theo tâm mình thì những thứ kia sẽ giúp cuộc sống trở nên xa hoa, tốt đẹp, thoải mái hơn. Nhưng ngược lại, làm trái tâm thì có bao nhiêu cũng chỉ khiến cuộc sống bế tắc, bất hạnh hơn mà thôi.
Lời Phật dạy về chữ tâm được ghi trong kinh sách sẽ bày tỏ đôi điều về vấn đề tưởng đơn giản mà lại rất rộng lớn này.
1. Nhất thiết duy tâm tạo
Trong kinh Hoa Nghiêm có viết: nhất thiết duy tâm tạo, tức là mọi việc đều do tâm sinh ra. Tâm là thứ điều khiển và nảy sinh ra mọi lẽ thiện ác, mọi công đức nghiệp báo của một đời người, quyết định con người ấy sẽ sống đời lương thiện hay đời xấu xa, sẽ trở nên hạnh phúc hay đau khổ.
Tâm tốt tạo ra thiện hạnh, nghiệp lành, hướng con người tới những việc giản đơn, tốt đẹp. Tâm xấu thúc đẩy tham, sân, si, tất cả những tội lỗi sai lầm mà chúng ta gây ra đều xuất phát từ tâm không trong sáng. Từ trong tâm sẽ dẫn dắt hành động, từ hành động mà tạo ra nhân quả.
Lời Phật dạy về chứ tâm nhấn mạnh tới sự tự chủ của mỗi người, không phải hoàn cảnh, không phải xã hội, không phải cuộc đời đẩy chúng ta tới chân tường, khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy oan nghiệt mà chính tâm mới quyết định tất cả. Thế nên trong Phật giáo mới có những bài kinh sám hối.
Sám hối là nhìn lại tâm của mình, chủ động thừa nhận những sai lầm khởi phát từ trong tâm và cố gắng thay đổi, cải biến để lương tâm trong sáng, xóa sạch nhưng mờ tục trong tâm. Tâm sinh tính và tâm sinh tướng, tâm tốt thì mọi thứ đều vẹn tròn..
2. Tùy tâm biểu hiện
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có viết: tùy tâm biểu hiện, tức là mọi sự thiện ác lành dữ đều do tâm biểu hiện ra. Người hành động không tốt, có tính bạo lực, thù địch, dối trá tức là tâm không sáng; người dịu dàng, nho nhã, thanh lịch, thật thà là biểu hiện của tấm lòng tốt đẹp.
Không có chuyện tâm tốt mà biểu hiện ra xấu cũng không có trường hợp tâm xấu mà hành động lại tốt đẹp trừ khi là giả tạo mà cái gì giả thì sớm muộn cũng bị vạch trần. Tâm và biểu hiện rất nhất quán, có sự tương đồng, tương thông. Vì thế thông qua hành động của một người có thể thấy tâm tính của người đó.
3. Tam giới tận tâm, tức thị niết bàn
Lời Phật dạy về chữ tâm ghi trong kinh A Hàm có ý nghĩa là chỉ khi nào tâm sạch ba cõi, không còn tham, sân, si thì mới thấy được Niết Bàn – cõi cực lạc tiên cảnh.
Lòng tham nổi lên, con người sẽ chìm đắm trong dục giới, lúc nào cũng chỉ muốn thỏa mãn lòng tham, sẵn sàng làm tất cả những chuyện xấu xa đồi bại nhất để đạt được mục đích. Mà lòng tham thì vô đáy, không có điểm dừng, đạt được cái này rồi lại muốn cái kia nên con người lúc nào cũng vất vả, bôn ba vì những thứ chưa chắc đã thực sự có ý nghĩa. Phật dạy về chữ tham, lòng tham và nỗi khổ vì tham nhất định phải nhớ.
Khi lòng sân hận nổi lên, con người sẽ chìm trong sắc giới, sinh sự bất mãn, tự mình làm khổ mình, dù không tham nhưng có sân thì không thể hết khổ, không thể hết buồn, dễ đố kị, ghen tị mà làm việc ác.
Khi lòng si nổi lên, ngu dốt u mê tăm tối, không thấy đúng sai, không màng phải trái, không có tâm dẫn đường, dễ mê lầm.
4. Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai
Một khi tâm niệm tức giận, sân hận khởi lên mà chúng ta không tự kiềm chế, không tự khắc phục, thì trăm ngàn vạn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại tiếp nối theo sau đó. Tâm dẫn đường hành động, tâm sinh tính cách, tâm làm nên tướng người nên tâm xấu ắt hẳn bao chuyện thiếu tử tế sẽ diễn ra.
Lời Phật dạy về chữ tâm thực ra chung quy lại chỉ có một trọng điểm: chữ tâm tạo nên cuộc đời. Sống ở đời có thể không có tiền, không có tài nhưng nhất định phải có tâm. Người không tiền sống nghèo sống khổ, người không tài sống vô dụng và nhỏ bé nhưng người không tâm thì không có cuộc sống.
Tâm Lan