Học Phật 4 chữ để sống chung với mẹ chồng không còn là nỗi ác mộng

Thứ 7, 9/11/2024 - 0:58

Mục lục
 
Mục lục

(Xemsomenh.com) Sống chung với mẹ chồng có lẽ là đề tài sôi nổi không bao giờ có hồi kết của các chị em phụ nữ. Người khen có, người chê có, người than vãn, người trách móc. Không bàn ai đúng ai sai, xin mượn đôi lời Phật dạy để có thêm hướng nhìn về vấn đề này.

Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là nhân sinh, có rất nhiều lời khuyên, lý lẽ, lời Phật dạy có thể áp dụng vào cuộc sống để hoàn thiện bản thân hơn, hướng tới sự hạnh phúc và bình an. Sống chung với mẹ chồng không phải điều xa lạ nhưng vẫn thường xuyên gây ra những làn sóng tranh luận. Có lẽ với nhiều người, đó là chuyện rất khó giải quyết, vậy hãy thử xem, theo cách nhìn Phật giáo thì nên làm như thế nào.

 

Hoc Phat 4 chu de song chung voi me chong khong con la noi ac mong hinh anh 2
Phật dạy cách sống chung với mẹ chồng chỉ bằng 4 chữ này 

 

1. Chữ hiếu  

Phật dạy trong trăm ngàn việc thiện thì thiện nhất là hiếu, trong trăm ngàn nghiệp lành thì lành nhất là hiếu. Hiếu thuận với cha mẹ là cái đức hàng đầu của con người. Cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, chăm lo cho con cái từ khi chưa thành hình đến khi trưởng thành, cung cấp từ cái ăn cái mặc cho tới học hành, vui chơi. Chưa tính tới lòng yêu thương, quan tâm, lo lắng thì chỉ ngần ấy công sức thôi cũng đủ để đời đời không báo trả hết.

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, không mong hòng báo đáp, con lớn lên rồi có thể đối tốt với cha mẹ được không? Con dâu về nhà chồng, gọi mẹ chồng một tiếng “mẹ” xin hãy hiểu đạo lý này. Mẹ anh ấy mang tới cho mình một người đàn ông vững vàng, mạnh khỏe như vậy, chữ hiếu này thay lời cảm ơn, cũng xứng đáng phải không?  

2. Chữ tình  

Làm người sống ở trên đời, không thoát khỏi vòng chữ tình. Mẹ chồng – nàng dâu không phải đối thủ của nhau, hãy luôn tâm niệm như vậy. Hai người phụ nữ giành nhau điều gì? Giành nhau tình cảm của một người đàn ông. Nhưng con người đâu phải hàng hóa mà của anh, của tôi. Tình cảm không giới hạn, tình mẹ con khác tình vợ chồng.  

Người với người ở bên nhau đã khó, dung hợp với nhau lại càng khó hơn. Mẹ chồng và con dâu ở hai thế hệ khác nhau nên xảy ra xung đột, xích mích là điều hoàn toàn bình thường. Lúc này, con dâu hãy học Phật chữ “nhẫn” để sống chung với mẹ chồng và mẹ chồng cũng học chữ này để sống chung với con dâu.

 

Hoc Phat 4 chu de song chung voi me chong khong con la noi ac mong hinh anh 2
 

 

 

Mối quan hệ này không phải một phía, chỉ là con dâu đối phó với mẹ chồng hay mẹ chồng đối phó với con dâu mà cả hai cùng phải thay đổi để sống cho trọn chữ “tình”. Có người nghĩ con dâu và mẹ chồng vốn chẳng có quan hệ gì nên tình cảm không phải chân thực. Trước chưa có tình cảm nhưng sau là mẹ con, sống dưới một mái nhà, qua bao nhiêu năm vun đắp, không phải tình thì là gì?  

3. Chữ đạo  

Sống chung với mẹ chồng không dễ, sống chung với con dâu lại càng khó. Ai cũng nghĩ tới cái khổ của mình nhưng không nghĩ tới cái khổ của người khác, đó là không phải đạo. Ai cũng dùng lòng tham, lòng chiếm hữu của mình để giành giật một người đàn ông, ấy là sống sai đạo. Ai cũng làm những điều quá quắt, phạm khẩu nghiệp, phạm lỗi dối trá, bất hiếu, thất đức ấy là phạm đạo.  

Làm người sống lỗi như vậy thì tìm đâu thấy hạnh phúc? Con dâu nên coi mẹ chồng là mẹ mà cha mẹ thì có quyền và trách nhiệm dạy dỗ, chỉ bảo cho con cái trong nhà. Mẹ chồng nên coi nàng dâu là con mà uốn nắn, hướng dẫn chân thành. Hai người cùng sống phải đạo thì đời êm ấm.  

4.Chữ đức  

Chúng Phật tử vẫn thường kể nhau nghe câu chuyện thiền sư thấy con bọ cạp bị rơi xuống nước liền vớt nó lên bờ, con bọ cạp theo phản ứng tự nhiên chích vào tay vị thiền sư rất đau nhưng ngài không tỏ ra tức giận. Vừa đi được vài bước, thấy con bọ cạp lại rơi xuống nước, thiền sư quay lại nhặt nó lên và vẫn bị đốt nhưng cũng chẳng mảy may khó chịu. Có người thấy thế liền hỏi tại sao ngài vẫn cứu con vật dù bị nó làm tổn thương. Thiền sư chỉ nhỏ nhẹ giải thích: đốt người là thiên tính của bọ cạp, cứu vật là thiên tính của ta, tại sao lại vì thiên tính của nó mà thay đổi thiên tính của ta.  

Với mẹ chồng, nàng dâu cũng vậy, người tốt với mình mình tốt lại không phải đạo lý, sống thế nào cho đúng tâm, đúng đức của mình mới là đáng quý. Người có tâm, có đức có thể cảm hóa người khác, sống đời thanh thản nhưng người vô tâm, vô đức thì chỉ gây thêm nhiều phiền muộn mà thôi.