Đâu là cách để giúp chúng ta có thể chuyển nghiệp?
(Xemsomenh.com) Có nhiều người chợt có lúc cảm thấy tội lỗi với những gì mình làm nhưng không biết làm thế nào để chuyển nghiệp và bài viết sau sẽ chia sẻ cụ thể chuyển nghiệp bao gồm những bước nào để những ai quan tâm tự nhận ra cần phải làm gì để cải thiện cuộc sống của mình.
Dẫu có tiền tài, danh vọng, gia đình với con đàn cháu đống thì khi chết đi chúng ta cũng không thể mang theo được gì, chỉ có "nghiệp báo" là ở lại với chúng ta. Chính cái nghiệp báo này là nguyên nhân làm cho chúng ta sung sướng hay đau khổ vậy. Khi giác ngộ được điều đó, chúng ta cần phải tìm cách dừng nghiệp, tìm cách chuyển nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện. Tinh thần nhân quả của đạo Phật rất đa dạng và phức tạp, vì nhân quả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai không phải gây nhân nào chịu quả ấy như nhiều người thường lầm tưởng. Đối với người biết tu thì nhân quả sẽ thay đổi nhiều hay ít tùy theo khả năng tu tập của mỗi người. Cho nên Phật dạy: Tu là chuyển nghiệp phiền não khổ đau, thành an vui hạnh phúc.
Nhân quả xấu có thể thay đổi được – chuyển nghiệp
Đức Phật đưa ra một ví dụ để chứng minh nhân quả xấu có thể thay đổi được, một nắm muối nếu hòa tan trong ly nước thì nước sẽ mặn không thể uống được. Cũng nắm muối đó, nếu hòa tan trong bình nước lớn có sức chứa khoảng hơn trăm lít, thì nước trong bình sẽ uống được, nhưng vị nước hơi mặn mặn. Và nếu nắm muối đó được hòa tan trong một ao nước lớn gấp năm mười lần bình kia, nước sẽ không còn mặn, chúng ta có thể sử dụng bình thường.
Nhân xấu ác là được xem như là vị mặn của nắm muối hòa tan trong ly nước nhỏ thì quả cũng mặn không giải khát được. Nếu nhân mặn của nắm muối hòa tan trong bình nước lớn hơn gấp trăm lần thì vị mặn sẽ bị loãng ra, nước có thể tạm dùng giải khát được. Nếu nhân mặn của mắm muối hòa tan trong ao nước lớn, thì nắm muối không thấm vào đâu, nước có thể sử dụng.
Cũng lại như thế, người mà không biết tu thân, tu giới, tu tâm khi tạo nhân xấu ác thì trả quả ác nguyên vẹn. Nếu người biết tu thân, tu giới thì dụ như nắm muối tan trong bình nước lớn, tuy có chút vị mặn nhưng cũng có thể tạm dùng qua ngày. Còn nếu chúng ta biết tu thân, tu giới, tu tâm như nắm muối được hòa tan trong ao nước to, bởi muối quá ít so với lượng nước quá nhiều, nên chúng ta có thể dùng bình thường.
Chính vì vậy, khi lỡ làm ác mà chúng ta biết tu thân, thì nhân quả xấu, sẽ được chuyển mà không thọ đúng như khi gieo nhân. Nếu khi gây nhân ác chúng ta biết tu thân, tu giới thì sẽ chuyển nghiệp thọ quả báo nhẹ hơn. Còn khi gây nhân ác mà biết tu thân, tu giới, tu tâm thì gần như chuyển quả xấu hoàn toàn. Cho nên tu là chuyển nghiệp, là chuyển hóa khổ đau thành an vui, hạnh phúc.
Cho nên nói nhân nào quả nấy là chỉ cho những người không chịu tu, vì họ chấp nhận số phận đã an bài nên càng tạo nghiệp xấu nhiều hơn, người biết tu thì sẽ sám hối, thay đổi được nhân quả xấu, tùy theo khả năng tu cao hay thấp mà thôi.
Làm thế nào để chuyển nghiệp?
Nếu nhân quả xấu có thể thay đổi được tức là có thể chuyển nghiệp được thì làm thế nào để chuyển nghiệp? Việc chuyển nghiệp không chỉ có lên Chùa mong cầu, khấn vái là được mà cần chúng ta phải tu từ tâm. Đức Phật từng bảo rằng: “Ta không có quyền ban phước, xuống họa cho ai”. Nhân tạo lành thì được hưởng quả lành; nhân tạo ác thì phải chịu quả ác. Phật chỉ dạy chúng ta biết thế nào là tội phải tránh, thế nào là phước nên làm, đó là dạy chúng ta tu.
Chúng ta phải nên nhớ bước đầu của tu tâm là buông xả niệm ác trước, kế đến là niệm thiện và trở lại pháp tu trung đạo là sống với tâm Phật sáng suốt mà thường biết rõ ràng, khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế. Đó là ta biết tu tâm, người chưa đủ sức thì phải tu thân, rồi tu giới và cuối cùng là buông xả hết tâm niệm tốt xấu, đúng sai, ta người mà sống với Phật tính sáng suốt của mình.
Tất cả chúng ta tu phải đi từ bậc. Bậc thứ nhất là dừng nghiệp, bậc thứ hai là chuyển nghiệp, bậc thứ ba là sạch nghiệp. Trước phải phát tâm qui y, nguyện giữ năm giới, để đừng sa vào hố tội lỗi.
1- Không được sát sanh.
2- Không được trộm cướp.
3- Không được tà dâm.
4- Không được nói dối.
5- Không được uống rượu, không được hút á phiện, xì ke, ma túy.
Chặn đứng không sa vào hố tội lỗi rồi, kế đó mới tiến qua bước thứ hai là làm lợi ích cho người, tạo phước lành cho mình.
Đến giai đoạn thứ ba, chúng ta biết tất cả nghiệp từ ý mà sanh cho nên mình dừng niệm. Thanh lọc tâm ý trong sạch là làm cho sạch nghiệp. Sạch nghiệp thì được giải thoát sanh tử.
Phật tử giữ được năm giới thì hiện tại trong gia đình hòa vui, trong xã hội mình là người lương thiện, tốt đẹp. Đời sau do không phạm giới sát sanh nên tuổi thọ dài. Không phạm giới trộm cướp nên giàu có. Không phạm giới tà dâm nên đẹp đẽ trang nghiêm.
Không phạm giới nói dối nên nói năng lưu loát, ai cũng tin quý. Không phạm giới uống rượu, xì ke ma túy nên trí tuệ minh mẫn. Tu theo pháp ấy gọi là Nhân Thừa Phật giáo, tức đời này là người tốt, đời sau càng tốt hơn.
Sang bước thứ hai, làm mười điều lành gọi là tu Thiên Thừa Phật giáo, tức tiến thêm một bậc nữa. Công đức của mình tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn nên được sanh các cõi trời. Người chuyên làm nghiệp lành, không tạo nghiệp dữ thì được sanh cõi trời.
Đến bước thứ ba là tu sạch nghiệp. Đây là chặng đường của hàng xuất gia, tu để giải thoát sinh tử. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là pháp tu này chỉ dành riêng cho người xuất gia. Nếu người xuất gia không làm đúng như vậy thì cũng không ra khỏi sanh tử. Còn người tại gia tu sạch được nghiệp rồi cũng ra khỏi sanh tử như thường.
Cho nên nhiều Phật tử không hiểu, cứ nghĩ rằng phải vô chùa, cạo đầu đi tu mới giải thoát. Nếu ở chùa mà hay sân hay giận, hoặc còn tham lam thì có ích gì cả? Giải thoát là do nghiệp sạch, tâm thanh tịnh, chớ không phải vô chùa mà được giải thoát. Bởi vì tâm là gốc tạo nghiệp, nếu tâm không thanh tịnh thì nghiệp không sạch, nghiệp không sạch thì làm sao giải thoát được. Chúng ta tu là phải làm sao tiến lên cho được sạch nghiệp.
Giữ năm giới cho trọn là dừng được các nghiệp ác. Từ giữ năm giới rồi, tập làm thêm các việc lành. Thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành. Nhưng nói thân làm lành, có nhiều Phật tử lại hiểu là phải bố thí, làm phước mới được. Gặp trường hợp mình nghèo quá làm sao bố thí. Đừng nghĩ vậy, vì trong nhà Phật dạy bố thí có ba: Một là tài thí, tức đem tiền của giúp người. Hai là pháp thí, tức đem pháp cho người. Ba là vô úy thí, tức đem không sợ hãi đến với người.
Lại trong tài thí có phân làm hai: Một là ngoại tài, hai là nội tài. Ngoại tài tức đem tiền của hoặc đồ đạc giúp người ta. Nội tài là đem công sức từ chính bản thân mình ra giúp người. Ví dụ như đánh gió, giải cảm giúp người, giúp một bà cụ già băng qua đường,... đó là bố thí nội tài.
Còn như người tu không có nội tài, ngoại tài thì bố thí pháp. Đem pháp nói cho quý Phật tử nghe, giúp Phật tử nhận rõ chánh tà. Thế nào là đạo đức, thế nào là phi đạo đức, giúp quý Phật tử hiểu, sống và ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống để thân tâm luôn được an vui, đó là bố thí pháp.
Thứ ba là bố thí vô úy. Vô úy nghĩa là không sợ. Ví dụ có người sợ chết chúng ta giải thích chết không phải là hết để cho họ hiểu và an tâm hơn, hoặc đứa bé sợ ma, mình đốt đuốc, nắm tay dẫn nó về nhà, đó là bố thí vô úy...
Cho nên người tu theo đạo Phật là phải giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý của mình, chứ không phải tu chỉ biết ăn chay, chỉ biết đến chùa cúng Phật là đủ.
Làm thế nào để chuyển nghiệp là điều không hề dễ dàng dù nghe qua thì đơn giản, nhưng ứng dụng tu cho đến nơi, đến chốn thì không phải ai cũng làm được.
Chỉ đúc rút được một điều rằng, khi bị chuyện mất mát đau thương đến với mình thì ta biết đó là nghiệp quá khứ còn rơi rớt lại, mà vững lòng tin can đảm chấp nhận chịu đựng, rồi chuyện gì cũng sẽ qua nhờ ta biết buông xả.
Cho nên nói tới tu là nói tới nhìn lại mình nhiều hơn là nhìn kẻ khác. Phải nhớ nhìn lại xem lời nói mình có ngay thẳng chưa, ý nghĩ mình có chân chánh chưa. Để từ đó lo tu sửa lấy mình. Như vậy mới gọi là người tu.
Minh Minh