Lời Phật dạy về việc tự thấy xấu hổ: Không chịu hiểu thì sống như loài thú
(Xemsomenh.com) Theo lời Phật dạy về việc tự thấy xấu hổ, đó là việc cần thiết để mỗi người ý thức được việc mình làm, từ đó xây dựng được hình ảnh đáng tin, đáng quý trong mắt mọi người.
Lời Phật dạy về việc tự thấy xấu hổ
Có một câu chuyện kể về Đức Thế Tôn lúc Ngài còn tại thế rằng, Người gọi các Tỳ kheo lại để giảng về hai pháp đen: Không Tàm và không Quý. Ngược lại, có hai pháp trắng: Tàm và Quý.
Đức Phật căn dặn: "Hai pháp trắng này, này các Tỳ kheo, che chở cho thế giới. Nếu không có hai pháp trắng này che chở cho thế giới thời không thể chỉ ra được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, heo, chó, gà, vịt".
Ngược lại, nhờ hai pháp trắng nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay là em hoặc chị của mẹ, đây là vợ của anh hay em, đây là vợ của thầy hay vợ các vị tôn trưởng.
Bài học: Tàm là biết hổ thẹn với chính mình và Quý là biết hổ thẹn, sợ hãi với người khác.
Lời Phật dạy về việc tự thấy xấu hổ cho thấy nếu không có tâm ngại ngùng, sợ hãi với tội lỗi của chính mình và mọi người thì con người chẳng khác nào cầm thú, thế giới sẽ đi đến hỗn loạn. Nhờ biết hổ thẹn nên chúng ta kính trên, nhường dưới, tôn trọng tôn ti, trật tự... từ đó có thể làm chủ được bản thân trước những thôi thúc của tham lam, sân hận và si mê.
Lời Phật dạy về việc tự thấy xấu hổ" title="duc phat day ve viec tu thay xau ho" src="https://xemsomenh.com/media/images/article/3368/Loi-Phat-day-ve-viec-tu-thay-xau-ho.jpg"> |
Biết hổ thẹn với chính mình đúng mực
"Tàm" trong lời Phật dạy trên đây nghĩa là tự mình làm chuyện sai quấy, chính mình cảm thấy rất áy náy, tạm hiểu theo cách thông thường nghĩa là: lương tâm cắn rứt. Có những tội lỗi chỉ một mình mình biết, nhờ có “Tàm” thì ta sẽ tự tìm cách điều chỉnh bản thân, nguyện không làm chuyện sai quấy vì chúng chỉ khiến ta cảm thấy tâm khó an, luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng. Phàm là người ai chẳng bị dục vọng dẫn dắt cơ chứ? Có những người dục vọng ít nhưng có kẻ dục vọng quá nặng nề đã che lấp tâm trí biến họ thành loại chẳng phải người, mất hết lương tri và nhân tính. Thế nên Đức Phật mới cảnh tỉnh chúng ta rằng, nếu trần gian này không có Tàm Quý thì chỉ có “con” mà không có “người”, “sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê... đồng một loại”. Thế nên đừng tự cho rằng mình hoàn hảo, nhớ tỉnh thức để nhận ra cái sai của mình trong từng việc vì biết hổ thẹn là một nhân tố quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Ngược lại không nhận ra được cái sai nhỏ sẽ dẫn đến cái sai lớn, đến khi gây ra hậu quả đáng tiếc thì hối hận cũng đã muộn màng. Ví dụ như không phải khi nào ta cũng nói được lời hay nên phải cẩn trọng. Phải biết cân nhắc lời không nên nói và lời nên nói. Nói lời chân thật, không nói lời thô ác, dối trá. Bạn có thể lừa dối được vài người nhưng không thể lừa dối được chính mình. Nhưng nếu có lỡ nói dối, tâm phải biết biết ăn năn, hối hận mà không tái phạm.
Mượn tiền của người khác tuy là nhỏ thôi dù người ta chưa hỏi cũng phải lưu ý để trả lại, đó là uy tín của mình. Nhiều người cầm tiền được của người khác nhưng không muốn trả chỉ làm mất đi uy tín của mình, không còn ai tin tưởng nữa, lúc cần thì chẳng ai muốn giúp đỡ. Hay có những kẻ hay trộm những món đồ nhỏ của người khác, dần dần có thói quen lấy những món lớn hơn, hay tệ hơn nữa là nhặt được món tiền của ai đó nhưng không tìm cách trả lại chỉ vì lòng tham che mờ tâm trí,... Nhưng nói là vậy chứ việc đối diện với chính mình thực là điều chẳng dễ dàng. Hầu hết ta cho rằng khi vụ việc chưa bị phát hiện ra thì xem như mình không có tội, rằng ta vẫn là người thiện lương. Thậm chí còn bao biện rằng ta có gây ra tội lỗi nhưng qua mặt được pháp luật thì xem như không có tội tình gì.
Thực tế là một nền pháp trị nghiêm minh với hệ thống pháp luật đầy đủ nhất cũng mới thực thi được phần nổi của việc duy trì đạo đức. Còn phần chìm, nội tâm thì rất cần sự soi sáng của lương tri, tự ý thức và làm chủ mình để tự thân mỗi người chủ động tránh xa cái xấu ác.
Phật từng dạy “Chiến thắng ngàn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Một người can đảm và trí dũng lắm người ta mới sống với lương tri, nhận ra những sai trái của chính mình để từ bỏ dù chưa ai biết hoặc không hề biết. Do đó, mỗi cá nhân phải tỉnh thức thật nhiều mới nhận ra và thực hành được điều ấy trong đời sống hàng ngày. Biết xấu hổ với mình trước những tội lỗi là nền tảng đạo đức căn bản của cá nhân và xã hội.
Ta thường suy nghĩ, hành động mọi thứ một cách bản năng, thuận theo cảm xúc giống như cỏ mọc hoang vậy, nên cần cắt gọt, uốn nắn chúng thường xuyên. Vì thế việc tập luyện cách phản tỉnh, nhìn lại mình, tự vấn lương tâm mỗi ngày, như thế mới có thể chặn đứng những điều xấu ác.
Biết sợ hãi với người khác đúng mực
Còn "Quý" trong lời Phật dạy chính là lời phê bình của dư luận bên ngoài. Điều này có nghĩa là có những tội lỗi của mình mọi người đều biết.
Khi ta làm việc sai quấy, mọi người nhận ra và phê bình qua đó ý thức được sai lầm của bản thân, biết sợ hãi, xấu hổ mà cũng chẳng dám làm chuyện xấu nữa. Đứng trước những lời chỉ trích hầu hết chúng ta tức giận và cố gắng phủ nhận, thậm chí tìm cách đổ lỗi, thế nhưng biết giữ thái độ lắng nghe, tự cân nhắc lại mới là khôn ngoan. Trong cuộc sống, không phải cứ tự mãn rằng mình là người chẳng biết sợ đã là hay, đó chỉ là sự oai hùng giả tạo, không biết nhận ra đâu là cái sai, cái dở của mình thì chẳng ai dám gần gũi, thân thiết. Khi có tâm Tàm Quý, hành vi sinh hoạt hàng ngày của mình sẽ chừng mực, dung hòa với tất cả mọi người xung quanh. Ta sống chân thành hơn thì ắt được mọi người tin tưởng, yêu mến. Nhờ sự nhắc nhở của mọi người mà ta ý thức được hậu quả của hành động bất thiện đối với bản thân và những người xung quanh, rồi cảm giác hổ thẹn và e sợ trước những bất thiện nghiệp đó dù nhỏ nhất. Đây là phương pháp chân chính để rèn luyện, cải thiện chính mình.
Nếu bị người xem thường, hãy nghĩ tới nguyên do rằng mình đã làm gì, nói gì khiến cho người ta xem thường mình. Đừng khi nào cũng nghĩ là mình hay, mình giỏi, cái gì mình cũng đúng, chỉ là người khác không hiểu mình. Mỗi lần có lời nhắc nhở của ai đó cũng là một lần tự soi lấy chính ta.
Ngược lại, có những người được người khác phê bình đã vội gạt đi, không chịu nhận lỗi, cho rằng đó là tính cách, con người mình, bất chấp việc bất thiện mà làm sai quấy, gây hậu quả đáng tiếc. Họ sẽ vô cảm trước dư luận, bỏ ngoài tai sự chê cười của người đời, gây ra những vấn đề nhức nhối cho xã hội. Thế mới thấy, nếu không có Tàm Quý thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng tới mức nào.
Có Tàm có Quý tức là còn tâm biết xấu hổ, còn tâm ăn năn cắn rứt thì sẽ tự nhiên biết thủ lễ tiết, tự nhiên biết tận nghĩa vụ, tự nhiên có thể liêm khiết, tránh gây hại cho người, cho đời.