Vai trò của đồng thầy khi trình đồng mở phủ
Đạo Mẫu Việt Nam, đạo nội thuần Việt và gần gũi nhất với dân tộc. Đạo luôn đề cao truyền thống, truyền thừa, đề cao chữ “Hiếu” và chữ “Kính” đặc biệt là thêm phần lễ nghĩa. Hiếu với cha mẹ ông bà gia tiên tiền tổ, Kính là Kính Thánh trọng Thầy.
Lễ phải có nghĩa không quá mù mờ bạ đâu cũng lễ cũng lạy cũng lo lắng đàn tràng rồi nghe sao lễ vậy...
Trong các nghi lễ của Đạo Mẫu, lễ trình đồng mở phủ là nghi thức bắt buộc chứng nhận một người ra nhập Đạo Mẫu quy hàng Bốn Phủ cắt tóc làm tôi, nguyện trở thành tôi con cửa Thánh và phụng sự Chư Thánh cửa Đình Thần đến “mãn chiều xế bóng”. Trong nghi thức này không thể thiếu người “đồng thầy”, được xem như người “tái sinh” (đẻ đồng) cho tân đồng nhập đạo, bước vào cửa tâm linh và tu tập Đạo Thánh.
Nhưng VAI TRÒ của đồng thầy trong Đạo Mẫu có đơn giản là người thực hiện nghi thức trong lễ “trình đồng mở phủ” của đồng nhân hay không ? Và làm sao để TÌM được đúng người thầy mở phủ dẫn đạo cho mình.
Đầu tiên phải kể đến :
+ Soi căn nối quả:
Đồng thầy Đạo Mẫu làm lễ mở phủ cho người phải là người có khả năng soi căn nối quả, phải soi được căn của con nhang, hiểu đối với từng con nhang ghế ai bóng ai căn cốt ra sao nguồn gốc thế nào cần tu gì? Chưa yên chỗ nào? Cần họa cốt ở đâu (đồng cốt)? Cần cân chỉnh và kêu cầu ở đâu... còn cân chỉnh để đồng con tu tập. Trước là thầy phải phó úy đúng cung đúng cửa để đồng con thuận việc đạo và đối tâm tu tâm, sau tu ra bản ngã của chính họ , rồi căn cứ vào đó dậy đạo pháp và cao nhất là dậy họ tu về âm dương về thần hồn chân linh.
Thầy không soi căn nối quả được là vất đi thầy đó là đồng mù .
+ Đỡ bóng:
Đây là vai trò quan trọng bậc nhất và cũng là khó khăn nhất của đồng thầy đối với đồng con. Đặc biệt cấp thiết với đồng tân lính mới. Bởi đồng con sau khi ra đồng vừa mới nhập cửa đạo căn mệnh chưa thực sự an yên, bóng yếu dẫn đến dễ bị oan gia đòi nợ, ma tà quấy phá, thử thách kéo đến dồn dập nhiều khi khiến đồng con suy sụp. Nếu không được đỡ bóng và đồng thầy không có khả năng đỡ bóng cho đồng con thì dễ dẫn đến đồng tân bị cơ, cơ âm cơ dương, ma tà dẫn lối loạn tâm loạn tính và nhiều khi trên canh đàn khóa lễ còn bị vong ma hay oan gia ốp nhập, gây tác động khác khiến canh đàn chẳng thể chu viên hòng phá hoại đường tu vừa mới được khai mở của đồng con.
Sau khi dẫn trình đệ tử, đồng thầy mở phủ có trách nhiệm đỡ bóng cho đồng con chủ yếu trong ba năm đầu hoặc trước khi tạ tam niên. Giai đoạn này là cực nhọc nhất với đồng thầy và cũng là giai đoạn nhạy cảm nhất với đồng con.
Một người mang danh thầy nhận mở phủ cho người nhưng không đỡ bóng được cho đồng con thì xét về lâu dài chỉ làm khổ đồng con.
Đôi khi đồng con nghiệp quá nặng thầy còn phải ngăn chặn phân tán nghiệp quả thậm chí có lúc còn tấu đối để tạm thời ghánh bớt cho họ khi đã nhận mở phủ để đỡ đi phần nào nghiệp quả
+Kêu tấu, phó úy, luyện đồng, rèn đồng…
- Đồng thầy là người trực tiếp kêu tấu cho đồng con tại các cung các cửa Đình Thần Nam Việt, cho đồng con được an yên căn mệnh và kêu tấu giúp con đồng khi có việc phát sinh ảnh hưởng đến đường tu và đôi khi là cả cuộc sống của con đồng (Âm phần gia tiên, thờ cúng, sức khỏe , nhân duyên, vận hạn, con cái, công danh…)
- Đồng thầy là người thực hiện lập phó úy gửi về cửa đúng căn mệnh của đồng con. Nếu người thầy không soi căn được chính xác hay đỡ bóng kém thì cũng khó có thể lập được phó úy về đúng cung đúng cửa chuẩn căn mệnh của đồng con.
Sổ phó úy của đồng con hoặc về sai cung hoặc không được cửa nào nhận dẫn đến không được Thánh bản mệnh đỡ cho, căn mệnh không yên thì việc sinh cơ, sinh ảo và tà ma oan gia xô vào khiến đồng con khốn đốn là chuyện thường.
- Lại nói đến khi con đồng đã tạm yên căn mệnh chuẩn bị bước vào giai đoạn luyện đồng, rèn đồng thì đồng thầy là người trực tiếp kêu và xin cho đồng con về các cung cửa để rèn và luyện đồng trình tòa tỏa bóng.
Nên nhớ có những trường hợp cửa Thánh Bản Mệnh trực tiếp luyện đồng, rèn đồng nhưng cũng có trường hợp nơi gửi bản mệnh tại một cửa và nơi rèn đồng luyện đồng tại một cửa khác. Bởi gửi bản mệnh là tùy căn mệnh con đồng nhưng rèn đồng luyện đồng (sau này hành đạo làm việc Thánh) còn phụ thuộc vào nghiệp đạo của con đồng.
Ví dụ: Người căn mệnh số hệ tại cửa cô Bơ nhưng nghiệp soi bói thì phó úy căn mệnh về cửa Cô Bơ nhưng khi rèn đồng hành pháp soi bói thì kêu tấu gửi nơi sơn trang cửa chúa bà (ngả quạt bói)…, người căn mệnh số hệ tại cửa Hoàng Mười nhưng nghiệp đạo kiêm chi phải học pháp và luyện đồng để thành pháp sư trừ tà thì đội lệnh nhà Trần và tấu gửi luyện đồng tại cửa Thượng Từ…
Người thầy có đạo và soi căn nối quả tốt phải thực hiện được những việc trên cho trọn vẹn.
+ Chỉ dạy lề lối hầu hạ phụng sự…, trình khăn áo…, hầu tỏa bóng…
- Đồng thầy là người chỉ cho đồng nhân phép tắc lề lối hầu hạ chuẩn chỉ tùy theo từng dòng đồng. (Thứ tự các giá hầu, nguyên tắc khi hầu với từng giá, phép Hầu xuôi, hầu ngược, hầu Nhà Trần…).
Là người nhắc nhở và cân chỉnh cho đồng con khi đồng con phạm lỗi hầu hạ, hầu sai phép hay hầu hạ vô ý…trong từng canh đàn khóa lễ. Đặc biệt nhất là trong 3 năm đầu đồng nhân.
- Trước kia sau khi mở phủ đồng thầy thường để con đồng tự hầu, chỉ nhắc nhở hoặc cân chỉnh để con đồng không phạm một số lỗi nghiêm trọng như: quay đáy vào ban thờ, tung tiền vào mặt tượng hay chống chuôi đao xuống đất ..vv.vv còn lại để đồng con hầu một cách tự nhiên nhất. Chính là để trong canh đàn đầu tiên người đồng thầy sẽ nhìn ra được căn cơ sâu dày và duyên nghiệp hành đạo sau này của đồng con mà cân chỉnh cả về sổ phó úy, kêu tấu giúp đồng con cho đúng cung đúng cửa.
Ngày nay phương tiện thông tin nhiều, các video hầu hạ và những bài viết về quy tắc hầu hạ cơ bản cũng nhiều nên đa phần đồng con khi mới ra đồng đã có những ấn định trong đầu về nguyên tắc hầu hạ rồi. Nhưng mỗi dòng đồng mỗi khác “mỗi nhà mỗi phép” nên đã theo thầy nào thì vẫn nên nghe theo những chỉ dẫn của thầy đó và thực hiện theo đúng quy tắc khuôn phép của dòng đồng mà mình theo.
- Trình khăn áo bản mệnh: Đồng thầy trực tiếp dẫn đồng con trình khăn áo bản mệnh để cha biết mặt mẹ biết tên tại các cửa chính như cửa Phủ Dày cửa Thánh Mẫu Thần Chủ cửa Bát Hải..., Phủ tiên chúa Sơn Trang, cửa Quan lớn cai đầu đồng (Quan lớn đệ Tam), Cửa Khâm Sai, Cửa Thượng Từ (Nếu đồng đội lệnh Nhà Trần)…
Còn các cung cửa khác tùy theo căn cơ đồng con mà đồng thầy trực tiếp dẫn đi hoặc kêu tấu giúp đồng con tại chốn tổ dòng đồng, đồng con sau khi được thầy chấp thuận có thể tự đi lễ và trình khăn áo tại các cung cửa còn lại này.
- Hầu tỏa bóng: Với đồng nhân hoàn thành tạ tam niên được cấp sắc đặt danh đồng nhân thì có thể xin phép thầy đi hầu tỏa bóng tại các cung các cửa, lúc này tùy căn cơ đồng con đồng thầy có thể hầu “dẫn bóng” giúp một số giá, trước là để kêu tấu với cửa hầu tỏa bóng đỡ cho đồng con, sau là giúp đồng con dẫn mã dẫn lễ đến đúng cung trong những lần đầu hầu tỏa bóng còn chưa có kinh nghiệm.
Bởi hầu tại nơi mở phủ hay bản điện đền chốn tổ trong 3 năm đầu thì luôn được các quan hành sai ưu ái cho (bởi là tân đồng và cũng là con cái bản điện), nhưng khi đã đi hầu tỏa bóng nơi xa thì một lỗi sai hay sơ suất hay bóng còn non yếu thì có thể bị bắt lỗi khá nặng. Đồng thầy sẽ hỗ trợ giúp đồng con trong giai đoạn đặc biệt này.
+ Dạy đạo/Dạy pháp – Dẫn đạo
- Dạy đạo/pháp: Đồng thầy là người dạy đạo, khai mở cho đồng con các phép tu từ cơ sở nhất như phép hầu đồng thiền động xóa vết khắc nghiệp, tu đạo hành đạo tích âm đức bồi hoàn cho oan gia và gia tiên… và sau nữa là chỉ dạy những nguyên tắc cơ bản nhất, những pháp những chú và sử dụng các công cụ cần thiết khi ra hành đạo Thánh.
Với đồng Nhà Trần, quan thầy trực tiếp “luyện đồng” cho đồng nhân qua các khóa hầu luyện đồng Nhà Trần (khác với hầu đồng thông thường) để đúc căn mệnh cho đồng nhân (thường là đồng pháp). Song song với chỉ dạy các pháp như cúng bái/ trừ tà/ áp vong/đàn hành đạo… tùy công việc phải làm về sau.
- Dẫn đạo: Bản chất là sự định hướng trên đường đạo chứ không bao giờ là “ép buộc”. Bởi người thầy hiểu rõ căn mệnh của đồng con sẽ có những định hướng phù hợp nhất để đồng con chuyên tâm tu tập, học đạo, học pháp sau này ra làm việc.
Phù hợp nhất tức là nếu đi theo định hướng đó thì có thể sẽ thuận lợi hơn nhiều trên đường tu hoặc đúng căn nghiệp sẽ trả được nghiệp nhanh hơn…
Nhưng việc định nghiệp hành đạo sau này còn phụ thuộc phần lớn vào nguyện vọng của đồng con. Bởi tuy căn mệnh và nghiệp mệnh làm 1 việc mà nguyện vọng của đồng con là 1 việc khác (nếu làm tốt vẫn tích được âm đức, giải oan gia, trả nghiệp và bồi phúc gia tiên…) thì đồng thầy cũng không cưỡng ép, chỉ định hướng và đưa ra lời khuyên. Bởi duyên thầy trò trách nhiệm của thầy là dẫn đạo/dạy đạo còn nghiệp đạo của đồng con chỉ có thể do chính đồng con gánh vác và tu tập.
Ví dụ: Đồng con có nghiệp đạo là đồng kêu cầu, đồng thầy sau khi đã phân tích và cũng đã định hướng, đồng con lại nguyện xin làm đồng soi bói hoặc gọi hồn thì khi định nghiệp hành đạo đồng thầy cũng theo căn nguyện của đồng con mà kêu tấu với chư Thánh. Nếu được chấp thuận hay không cũng truyền đạt và đưa lời khuyên, dẫn chỉ hành pháp với đồng con.
Sau khi đã định nghiệp hành đạo theo ý nguyện đồng con thì đồng con phải tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, hành đạo đúng phép, vượt qua khó khăn chướng ngại vì làm việc không hợp căn mệnh gốc và tự chịu trách nhiệm về phúc nghiệp trên con đường hành đạo của mình.
+ Thân giáo
- Khi mới nhập đạo đã phải luôn ghi nhớ chữ tâm - đức và chữ tòng thuận (lính ghế), người lính là phải theo cấp trên chỉ huy trực tiếp (đồng thầy).
Mà học được chữ đức và tòng thuận thì phải qua hành động và cử chỉ hàng ngày của người thầy đồng, đạo nhà Thánh ta gọi là “Thân giáo”.
- Thân giáo là tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo.
Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần được nghe giảng của các loại đạo các loại kinh về chữ “đức” cũng không bằng một lần thấy hành động nhân đức, khiêm cung, thiện hạnh, từ bi, chân thiện mỹ và cách hành đạo nơi vị thầy của mình.
- Người đồng thầy không tham tiền hám bạc, không điêu toa lừa lọc kiếm chác, không cờ bạc, rượu chè, trai gái hủ hóa ăn uống bê tha, thuốc phiện... không thất nhân ác đức, hám danh cầu lộc tài vô lý, không hầu hạ vô lối vô phép, không lãng phí tiền của tung tiền như giấy, không phân biệt người giàu kẻ nghèo nhờ cậy, chẳng phân biệt con nhang đệ tử sang hay khó…
Kể cả việc đạo, lẫn việc hàng ngày công khóa phụng thờ nhà Thánh, khóa lễ canh đàn chuẩn chỉ, làm việc hành đạo giúp bách gia luôn lấy chữ tâm đạo hàng đầu…
Theo người đồng thầy như vậy ắt sẽ “được ảnh hưởng” tính cách của thầy đồng mình.
Vậy mới có câu: “Trứng rồng lại nở ra rồng”, đại diện cho sự “truyền thừa” và “bản gốc”.